Mặc dù UBND huyện Sóc Sơn rất cầu thị và quyết liệt xử lý trước những thông tin phản ánh của báo chí, nhưng sai phạm trong suốt 13 năm qua tại xã Tân Hưng đến nay vẫn “ngang nhiên” tồn tại…
Thời gian qua, Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục phản ánh việc Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng khai thác khoáng sản Hưng Tín (Công ty Hưng Tín) tự ý lấn chiếm hàng nghìn m2 đất công để hoạt động làm bãi trung chuyển VLXD trái phép trong một thời gian dài trên địa bàn thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Đáng nói, hàng loạt văn bản xử phạt, yêu cầu hoàn nguyên hiện trạng đất ban đầu cũng đã được lãnh đạo chính quyền địa phương đưa ra, thế nhưng đến nay, sai phạm vẫn hoàn sai phạm?
Ngày 14/5/2020, Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được phúc đáp của UBND huyện Sóc Sơn về nội dung vụ việc. Theo đó, tại văn bản số 1051/UBND-TNMT, UBND huyện Sóc Sơn nêu rõ:
“Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Tân Hưng đã kiên quyết giải tỏa bãi chứa cát, sỏi không phép của ông Nguyễn Đình Ban; Đến nay, toàn bộ lượng cát, sỏi còn tồn trên bãi của ông Ban đã được giải tỏa dứt điểm, không còn hoạt động vận chuyển, tập kết cát, sỏi; không có phương tiện cơ giới hoạt động trên bãi. (Có chứng kiến của phóng viên cùng đoàn kiểm tra của huyện).
Đồng thời huyện Sóc Sơn cũng thông tin cụ thể: “Bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Nguyễn Đình Ban có nguồn gốc từ đất nông nghiệp do UBND xã Tân Hưng quản lý thuộc địa bàn thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng. Diện tích bãi tập kết này khoảng 9286m2, cách xa đê khoảng 200m”.
Nội dung tại văn bản cũng nêu rõ, bãi tập kết vật liệu xây dựng này hoạt động từ năm 2007 với tên Công ty Cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản Hưng Tín. Theo đó, từ năm 2014, Công ty này đã thực hiện các thủ tục xin thuê đất làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng…
Cũng tại văn bản này, UBND huyện Sóc Sơn thông tin thêm, UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội, sở Nông nghiệp & PTNT TP Hà Nội cũng đều có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bãi trung chuyển vật liệu xây dựng tại thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn. Hiện nay, Công ty Hưng Tín đang tiếp tục xin cấp phép theo quy định.
Tuy nhiên, theo những tài liệu phóng viên thu thập được thì còn nhiều thông tin nhưng UBND huyện Sóc Sơn lại “cố tình” không nhắc tới. Cụ thể, ngày 27/4/2016, UBND xã Tân Hưng có quyết định số 27/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Nguyễn Đình Ban. Tại văn bản này, UBND xã Tân Hưng nêu rõ, ông Ban đã tự ý chiếm 1.500 m2 đất để làm bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép. Cũng theo quyết định này, ông Ban bị phạt 4 triệu đồng và buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
“Ông Nguyễn Đình Ban phải thực hiện nghiêm Quyết định xử phạt trong 10 ngày, kể từ ngày được giao. Nếu quá thời hạn trên, ông Nguyễn Đình Ban cố tình không chấp hành xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành”. Quyết định nêu rõ.
Như vậy, có thể thấy rõ tại quyết định xử phạt này, UBND xã Tân Hưng đã khẳng định, “Ông Ban tự ý chiếm 1.500 m2 đất công để làm bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép”. Trong khi đó, tại văn bản số 1051/UBND-TNMT, UBND huyện Sóc Sơn phúc đáp vụ việc tới Diễn đàn Doanh nghiệp lại cho rằng: “Từ năm 2014, Công ty này đã thực hiện các thủ tục xin thuê đất làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng…”. Như vậy, ông Giám đốc Công ty Hưng Tín đã thực hiện thủ tục thuê đất hay đang lấn chiếm đất công? Tại sao UBND huyện Sóc Sơn trả lời “mập mờ” như vậy?
Cũng cần phải nói thêm, tại văn bản phúc đáp của UBND huyện Sóc Sơn có nêu: “Bãi tập kết vật liệu xây dựng này hoạt động từ năm 2007…” và “Từ năm 2014, Công ty Hưng Tín đã thực hiện các thủ tục thuê đất…”. Vậy, phải hỏi, Công ty này đã hoạt động kinh doanh bến bãi trái phép trong suốt thời gian từ năm 2007-2014, UBND huyện Sóc Sơn có biết? Trách nhiệm trong công tác quản lý thuộc về ai?
Đáng chú ý, cũng tại văn bản phúc đáp Diễn đàn Doanh nghiệp, huyện Sóc Sơn đã đưa ra “dẫn chứng” có 05 văn bản chỉ đạo việc giải tỏa dứt điểm bến bãi trái phép này để chứng minh việc UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo quyết liệt, UBND xã Tân Hưng cũng nghiêm túc thực hiện. Và cuối cùng, huyện Sóc Sơn khẳng định rằng, không có việc chính quyền địa phương tỏ ra “bất lực” trước sai phạm theo như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh(?).
Cần phải nhắc lại, bến bãi trái phép của Công ty Hưng Tín đã hoạt động từ năm 2007 cho tới thời điểm tháng 5/2020 khi phóng viên cùng đoàn kiểm tra của UBND huyện Sóc Sơn thực tế thì các hoạt động mới chấm dứt. (Trước đó 2 tuần, các hoạt động vẫn diễn ra rầm rộ - PV). Như vậy, phải hỏi suốt 13 năm qua, UBND huyện Sóc Sơn đã “quyết liệt” chỉ đạo như thế nào? UBND xã Tân Hưng nghiêm túc ra sao?
Đáng nói, trong suốt thời gian này, hàng loạt văn bản chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn được đưa ra, một loạt quyết định xử phạt và yêu cầu hoàn nguyên hiện trạng đất cũng đã được UBND xã Tân Hưng ban hành, thế nhưng bến bãi trái phép này vẫn “nghênh ngang” hoạt động cho tới nay. Vậy, hiệu lực trên các văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền huyện Sóc Sơn ở đâu? Phải chăng các văn bản chỉ đạo của địa phương này chỉ như tờ “giấy lộn”, ban hành để “cho có”?
Đến bao giờ những diện tích đất bị lấn chiếm tại đây được hoàn trả lại cho nhà nước? Những hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Hưng Tín ra sao? Nguồn gốc cát, sỏi tại bến bãi này như thế nào?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin ở bài viết tiếp theo để bạn đọc được rõ!
Có thể bạn quan tâm
09:01, 28/04/2020
06:30, 29/04/2020
15:05, 09/05/2020
11:05, 14/05/2020