Vụ lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan vừa qua như giọt nước tràn ly, niềm tin của người tiêu dùng vào bảo hiểm nhân thọ vốn chưa nhiều nay tiếp tục bị sụt giảm nghiêm trọng…
>>Tránh “bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm
Dù có mặt tại Việt Nam đã gần 30 năm, nhưng theo thống kê mới có khoảng 11 triệu người Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ (chiếm 11% dân số). Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, để chinh phục được con số này cũng đã là không dễ với các công ty bảo hiểm nhân thọ. Thực tế thời gian qua, nhiều ý kiến còn cho rằng, họ cảm thấy rất phản cảm với cách thức tiếp cận, mời chào của các nhân viên tư vấn.
Đó là câu chuyện của 5 - 7 năm về trước, một số doanh nghiệp khiến nhiều khách hàng cảm thấy như bị “khủng bố” bởi những cuộc điện thoại mời chào. Thời đó nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ rất “hot”, nhiều người không cần trình độ chỉ cần “khéo” giao tiếp, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, sẽ được huấn luyện và trở thành chuyên viên tư vấn của một công ty bảo hiểm nhân thọ, và bắt đầu “tra tấn” khách hàng bằng mọi cách với mục tiêu bán được sản phẩm.
Một vài năm trở lại đây, khi những chuyện ấy lắng lại, bên cạnh việc phát triển đội ngũ tư vấn viên, các công ty bảo hiểm nhân thọ chuyển qua bắt tay với các ngân hàng để bán sản phẩm. Và hệ lụy cũng từ đây mà xuất hiện. Rất nhiều khách hàng khi vay tiền tại ngân hàng bị ép mua bảo hiểm. Thậm chí gần đây, truyền thông liên tục đưa tin việc không ít khách hàng tá hỏa khi tiền gửi tiết kiệm “bỗng” trở thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Với kênh tư vấn viên bán sản phẩm cũng xuất hiện nhiều bất an cho người mua, bởi nhiều tư vấn viên thiếu kiến thức lại mang nặng tâm thế làm sao chốt được hợp đồng để hưởng hoa hồng nên tư vấn sai lệch, khiến người mua bỏ qua những điểm mấu chốt của bảo hiểm nhân thọ, chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Có thể thấy trường hợp của diễn viên Ngọc Lan khiến dư luận ồn ào những ngày qua như một điển hình.
Cũng chính vì những cách làm này mà một vài năm trở lại đây, tỷ lệ tham gia mới và duy trì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng rất thấp. Theo số liệu về thị trường doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới đạt 3,4 triệu hợp đồng (giảm khoảng 4,2% so với số lượng hợp đồng khai thác mới của năm 2021). Quý I/2023 doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ tăng 3%, đây là mức tăng trưởng rất thấp trong vài năm trở lại đây.
Về tỷ lệ duy trì hợp đồng các sản phẩm bán qua ngân hàng được nhiều doanh nghiệp đánh giá có tỷ lệ duy trì thấp. Những con số này đang đặt ra câu hỏi các doanh nghiệp sẽ làm như thế nào để có thể khiến 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 như tính toán?
>>Cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn
Hiện nay bảo hiểm nhân thọ có hai loại hình chính, bảo hiểm nhân thọ truyền thống (đơn thuần với mục đích là bảo hiểm) và bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư. Trong đó sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư đang được các công ty đẩy mạnh và dường như khách hàng khá ưa chuộng. Bằng chứng là năm 2022, các dòng sản phẩm liên kết đầu tư tiếp tục là các sản phẩm chủ đạo mang lại tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất (chiếm khoảng 85% phí bảo hiểm nhân thọ).
Nhưng những rắc rối cũng xuất hiện từ đây, nhiều tư vấn viên sẽ đánh vào tâm lý lợi nhuận, lãi suất mà người mua bảo hiểm có được khi tham gia gói bảo hiểm liên kết đầu tư, và bản thân người mua cũng dễ bị những yếu tố này chi phối dẫn đến quyết định mua sản phẩm mà quên đi rất nhiều yếu tố quan trọng khác như thời hạn hợp đồng.
Quay trở lại vụ việc của diễn viên Ngọc Lan, cô phải khóc về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 74 năm của mình, thời điểm này, có ý kiến còn chỉ trích nguyên nhân do cô không đọc kỹ hợp đồng. Nhưng thực tế hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài tới cả trăm trang, với “chi chít” thuật ngữ chuyên môn thì liệu chăng có bao nhiêu người nắm rõ? Cũng bởi vậy, người mua mới cần tư vấn viên, thế nhưng nhiều tư vấn viên lại vì nhiều lý do mà tư vấn “không hết”. Liệu doanh nghiệp bảo hiểm có vô can?
Quả thật vai trò của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không thể không nhắc đến. Trước khi tư vấn cho khách hàng các tư vấn viên phải được đào tạo, kiểm tra, vậy các doanh nghiệp ấy đã đào tạo và kiểm tra thế nào? Những câu hỏi này cần sớm được trả lời, xin đừng lấp liếm rằng những trường hợp gần đây chỉ là số ít, cũng đừng nói “con sâu làm rầu nồi canh”!
Có thể bạn quan tâm