PAP vừa bị phạt tổng cộng 327,5 triệu đồng do có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa báo lỗ kỷ lục quý đầu năm.
Cụ thể, theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Công ty CP Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UpCOM: PAP) bị xử phạt tổng cộng 327,5 triệu đồng do có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, doanh nghiệp không quy định trong Quy chế nội bộ việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) theo hình thức trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác. Với hành vi này, doanh nghiệp bị xử phạt 15 triệu đồng.
Thứ hai, thực hiện các giao dịch với bên liên quan mà không được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT thông qua. Cụ thể, năm 2024, Công ty vay tiền từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A, tổ chức liên quan đến người nội bộ PAP.
Trong năm 2023, 2024 và tháng 1/2025, PAP cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Sài Gòn, tổ chức liên quan đến cổ đông công ty vay tổng cộng 63,2 tỷ đồng.
Tháng 1/2025, tiếp tục phát sinh khoản vay 20 tỷ đồng với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Tâm Thành Tài, là cổ đông kiêm tổ chức liên quan đến cổ đông PAP. Với những vi phạm này, PAP bị phạt 137,5 triệu đồng.
Thứ ba, doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch tại các báo cáo tiến độ sử dụng vốn, liên quan đến nhiều gói thầu như GS1, GS2, và các gói mua sắm khác trong các văn bản công bố ngày 13/11/2023 và 13/05/2024. PAP bị buộc phải cải chính hoặc hủy bỏ các thông tin sai lệch này. Với vi phạm này, PAP bị xử phạt 175 triệu đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2025, doanh nghiệp ngành khai thác cảng biển và dịch vụ hậu cần dầu khí này ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 14 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn, lên đến gần 67 tỷ đồng, nên doanh nghiệp lỗ gộp hơn 53 tỷ đồng.
Không những vậy, chi phí tài chính trong kỳ này của doanh nghiệp cũng tăng mạnh lên gần 63 tỷ đồng, trong khi, doanh thu tài chính chỉ đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 393% so với cùng kỳ, lên hơn 7,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 100%, lên gần 2 tỷ đồng.
Tất cả những yếu tố trên đã khiến doanh nghiệp này lỗ sau thuế gần 123 tỷ đồng trong quý đầu năm. Đây cũng là mức thua lỗ kỷ lục của doanh nghiệp ngành khai thác cảng biển này.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của PAP trái ngược với bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành cảng biển, khi trong quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, nhờ sản lượng hàng hóa đi qua cảng tiếp tục có sự tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 342 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, trong tổng sản lượng hàng hóa qua cảng của cả nước 4 tháng đầu năm, hàng xuất khẩu đạt gần 70 triệu tấn, tăng 2%. Hàng nhập khẩu đạt gần 92 triệu tấn, tăng 6%. Hàng nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 179 triệu tấn, tăng 8%.
Tính riêng quý I/2025, hệ thống cảng biển đã khai thác gần 258 triệu tấn hàng hóa (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 5% so với quý I/2024.
Trong số này, hàng xuất khẩu đạt 52,4 triệu tấn, tăng 4%. Hàng nhập khẩu gần 92 triệu tấn, tăng 9%. Hàng nội địa đạt 136 triệu tấn, tăng 3%. Hàng quá cảnh xếp dỡ đạt hơn 1 triệu tấn.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, vận tải bằng tàu biển tiếp tục chiếm ưu thế với 175,6 triệu tấn, tăng 9%. Trong khi đó, vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa đạt 100,3 triệu tấn, giảm nhẹ 2%.
Theo bà Chế Thị Mai Trang - Trưởng phòng Phân tích Ngành hàng Công nghiệp, Công ty Chứng khoán HSC, về dài hạn, triển vọng ngành cảng biển Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực nhờ vào tiềm năng xuất khẩu tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đang đối mặt với một số rủi ro, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Hiện Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và tương đương 17% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các nhóm hàng chủ lực gồm máy móc, linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ, giấy và nông sản, trong đó nhiều ngành có tỷ trọng cao trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ.
Xét riêng trong ngành cảng biển, chuyên gia từ HSC đánh giá, mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế mới sẽ không đồng đều giữa các khu vực, và sẽ tùy thuộc vào loại hàng hóa và khu vực cảng.