Theo chuyên gia, thanh khoản thị trường sụt giảm do dòng tiền phân hóa và tâm lý nghi ngờ lan rộng, đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng, ưu tiên chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
Trong hai tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận những phiên tăng điểm mạnh mẽ, tạo cảm giác hưng phấn cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 23/5, VN-Index dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm mạnh. Kết phiên, VN-Index tăng 0,62 điểm (+ 0,05%) tạm dừng ở mốc 1.314,46 điểm với thanh khoản khớp lệnh giảm 40% so với phiên giao dịch trước đó.
Thị trường đã tăng hơn 100 điểm chỉ trong ba tuần, từ vùng 1.220 lên 1.330 điểm, nhưng danh mục của nhiều nhà đầu tư gần như không tăng. Chỉ một số ít nắm giữ các cổ phiếu như VIC, VHM, VRE... mới thực sự có lãi. Điều này phản ánh một sự phân hóa dòng tiền rõ nét. Trong khi chỉ số tăng, phần lớn cổ phiếu khác đi ngang, thậm chí suy giảm. Sự thiếu lan tỏa này khiến nhà đầu tư cảm thấy “thị trường tăng nhưng tài khoản không tăng”, tạo nên tâm lý ngờ vực dù chỉ số đang đi lên.
Một yếu tố đáng lo ngại hơn là động thái bán ròng của khối tự doanh và khối ngoại. Theo thống kê, tự doanh đã bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trong thời gian gần đây (không tính phiên ngày 23/5), trong khi khối ngoại cũng bán ròng khoảng 620 tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh đang tạm thời rút khỏi thị trường, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.
Ông Nguyễn Phạm Thành Long, chuyên gia chứng khoán cho biết, thanh khoản toàn thị trường tuy tăng nhẹ so với trung bình 20 phiên nhưng vẫn giảm khoảng 10% so với tuần trước. Các ngưỡng kỹ thuật đáng chú ý được xác định ở vùng 1.280 điểm (hỗ trợ) và 1340 điểm (kháng cự). Thị trường có thể tiếp tục dao động trong vùng này một thời gian trước khi xác lập xu hướng mới rõ ràng hơn.
“Phân tích theo nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tích lũy trong biên độ hẹp. Nếu thanh khoản vẫn thấp, nhóm này có thể duy trì trạng thái tích lũy. Ngược lại, nếu thanh khoản tăng đột biến trong phiên điều chỉnh, khả năng sẽ phá vỡ biên tích lũy và quay về vùng hỗ trợ cũ.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán cho thấy tín hiệu yếu hơn mặt bằng chung. Thanh khoản lớn đi kèm nhịp điều chỉnh sâu, đặc biệt ở các mã dẫn dắt như SSI, HCM, MBS, VCI. Khi thị trường tăng hơn 100 điểm mà nhóm chứng khoán không theo kịp, đó là tín hiệu cảnh báo rõ ràng.
Nhóm bất động sản dù có phục hồi, nhưng phần lớn chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu lớn. Các mã như DIG, PDR vẫn trong trạng thái yếu, thậm chí giảm giá khi thị trường tăng. Với những cổ phiếu đã điều chỉnh mạnh kèm thanh khoản lớn, khả năng hồi phục trong ngắn hạn là rất thấp”, ông Long phân tích.
Dự báo cho đến cuối năm, vị chuyên gia nhận định xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là tích lũy đi lên, với mục tiêu hướng tới mốc 1.400 điểm. Tuy nhiên, việc đạt được mốc này sẽ gặp nhiều trở ngại. Trong ngắn hạn, kịch bản tích cực nhất là thị trường tạo vùng cân bằng quanh 1.270 - 1.280 điểm trước khi bước vào nhịp tăng tiếp theo.
Đối với nhà đầu tư, chiến lược trong giai đoạn này là nên tập trung vào cổ phiếu đơn lẻ thay vì chạy theo thị trường chung. Vì vậy, việc quản trị rủi ro theo từng cổ phiếu sẽ hiệu quả hơn. Những cổ phiếu mạnh có thể tiếp tục tăng, trong khi cổ phiếu yếu sẽ tiếp tục đi ngang hoặc giảm, không nên kỳ vọng cổ phiếu chưa tăng sẽ tăng, đó là kỳ vọng không thực tế”, ông Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng được vị chuyên gia nhắc đến là vùng giá trị – vùng mà thị trường dao động với thanh khoản lớn nhất. Hiện tại, vùng giá trị của thị trường đang ở khoảng 1.275–1.280 điểm. Nếu thị trường quay về vùng này với thanh khoản thấp, đó là cơ hội mua tốt. Ngược lại, nếu giá vượt qua mà không vượt kháng cự, rất có thể sẽ kiểm tra lại vùng giá trị trước khi tiếp tục xu hướng.
Với những nhà đầu tư muốn giữ vị thế ngắn hạn, có thể mua quanh vùng 1.275–1.280 điểm, chốt lời quanh vùng 1.370 điểm. Nhưng nếu muốn vào lệnh bền vững hơn, cần chờ giá điều chỉnh về vùng giá trị với thanh khoản thấp.
Trong trường hợp thị trường điều chỉnh, vùng giá trị quanh 1.280 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ then chốt. Nhà đầu tư mua từ vùng 1.220–1.240 điểm có thể tận dụng để gia tăng vị thế. Nhưng với những ai mua đuổi vùng đỉnh, rủi ro điều chỉnh là không thể bỏ qua. Đặc biệt, các cổ phiếu yếu sẽ là những mã rơi đầu tiên.
“Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư hiện nay đang rất dễ dao động. Theo đó, những ai đang nắm giữ hơn 70% cổ phiếu, nên hạ tỷ trọng về khoảng 50% và giữ 50% tiền mặt khi thị trường tiến tới vùng 1.320 điểm. Giữ tiền mặt là không dễ trong các phiên giật lên giật xuống, nhưng đó là chiến lược an toàn nếu thanh khoản vẫn cao mà giá không tăng.
Về ngành, bốn nhóm có nền tảng tốt đó là bán lẻ, cảng biển, nguyên vật liệu và đầu tư công. Đây là các nhóm có khả năng hút dòng tiền trở lại khi thị trường điều chỉnh nhẹ. Nhà đầu tư hãy nhìn vào vận động dòng tiền, chọn đúng cổ phiếu, vào đúng thời điểm, mới là chiến lược hiệu quả trong giai đoạn thanh khoản thấp như hiện tại”, ông Phạm Nguyễn Thành Long khuyến nghị.