Gần tết rồi đi đâu cũng hỏi nhau "năm nay bên mày được bao nhiêu…" đứa rạng rỡ khoe vài chục, đứa ỉu xìu dăm ba củ, có đứa cứ im ỉm rồi tủm tỉm kêu "cũng tạm thôi…" cái "tạm" bung ra sau nụ cười bí hiểm là đủ biết béo ngầy ngậy rồi.
Mà cái giống thưởng tết cực kỳ khó giấu, không xì đường này cũng lòi đằng khác, muốn biết nhiều hay ít, tết cứ đến xông nhà là biết. Anh bạn tôi có năm thuê hẳn gốc đào Thất Thốn từ ngoài Bắc mang vào chơi, đâu phải rẻ, ít lắm cũng vài chục triệu, cứ món ngon vật lạ ùn ùn kéo về chất đầy trong tủ lạnh nào là lợn mán Tây Bắc, nai một nắng Tây Nguyên, cá kho Vũ Đại, rượu Tây, rượu Tàu… nói là tết nhưng tụi bạn cứ hưởng lai rai cả mấy tháng trời mới giải quyết hết cái đống chỉ tổ làm mồi nhắm.
Có người thưởng tết cả tỷ đồng, sắm cả ôtô du xuân, tậu nhà tậu đất toàn vị trí đắc địa. Năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh có doanh nghiệp FDI thưởng tết dương lịch 1,5 tỷ đồng, tết âm lịch cũng có mức thưởng đứng đầu cả nước, 855 triệu đồng, còn doanh nghiệp trong nước bình quân 8,3 triệu đồng/người.
Nhưng đó là chuyện của những người làm việc trong ngành dầu khí, viễn thông, ngân hàng, công ty, tập đoàn nước ngoài. Số đó không nhiều và những gì họ cống hiến ròng rã mười hai tháng trời là xứng đáng, nó không giống với kiểu làm đánh kẻng khua chiêng, sáng cắp ô đi tối cắp ô về, sáng phất phơ trà lá, chiều lai rai chén chú chén anh. Những người này nằm "khúc giữa" trong câu chuyện thưởng tết.
Bạn tôi, một người từng từ chối trở thành kỹ sư hóa dầu để theo nghề "gõ đầu trẻ", hắn kể 7 năm trong nghề chưa biết mùi thưởng tết là gì, họa hoằn lắm có bịch bột ngọt Vedan, mấy lít dầu Tường An kèm thêm vài trăm nghìn đồng, đó là lúc kinh phí của trường còn "sung túc" nhất!
Không thưởng nhưng trong lòng vẫn thấy… ít buồn, vì đã quen với cảm giác không đợi chờ "anh thưởng" đến thăm. Nói đúng hơn là chấp nhận những cái tết không có thưởng mặc dù chỉ để động viên an ủi, mà nếu có cũng không mua nổi hộp bia, con gà.
Kể cũng lạ, giáo viên cũng một nghề, nghề cao quý là khác, thậm chí lao động cật lực, cũng biên chế nhà nước, nhà trường cũng được cấp kinh phí như nhiều ngành nghề khác thế mà nghề "trồng người" coi như không có thưởng tết, còn các ngành khác đều có cái…"chống buồn".
Cũng thật khó tin một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc thưởng tết 20 nghìn đồng/người, nếu không ghi thêm chữ "đồng" chắc chắn ai cũng xuýt xoa nghĩ đến "đôla". Cũng có nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa biết có thưởng hay không!
Một khu trọ toàn lao động xa quê cả tuần nay nháo nhác lên vì công ty tuyên bố phá sản trước tết Nguyên đán chưa đầy một tháng, công nhân không kịp trở tay, bị nợ lương, bảo hiểm chưa biết nằm nơi đâu, thưởng tết chắc chỉ là mơ ước, đường về quê trở nên xa hơn bao giờ hết. Nỗi lo cơm áo làm những khuôn mặt chùng xuống, những đứa trẻ ré lên khi khát sữa mà đâu biết bố mẹ chúng sắp sửa tiêu những đồng tiền cuối cùng.
Năm nào cũng thế, chuyện thưởng tết có nơi tưng bừng, có nơi nước mắt chảy dài. Cần lắm những tấm lòng thiện nguyện. Giá như những nguồn tiền khổng lồ ở đâu đó bớt lãng phí, giá như tết chỉ toàn niềm vui…