Vui – Buồn hậu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023

ĐÌNH ĐẠI 07/04/2024 04:30

Hậu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, nhiều doanh nghiệp trao tin vui cho cổ đông khi lãi tăng, cũng có không ít doanh nghiệp có lợi nhuận “bốc hơi” hoặc tăng lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp tăng lãi ròng

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng đáng kể so với báo cáo tài chính tự lập trước đó, nhờ giá vốn và chi phí lãi vay giảm.

lãi ròng tăng mạnh thêm 32%, lên 26 tỷ đồng hậu kiểm toán - Ảnh: BAF.

Lãi ròng năm 2023 của BAF tăng mạnh thêm 32%, lên 26 tỷ đồng hậu kiểm toán - Ảnh: BAF.

Cụ thể, các chỉ tiêu biến động đáng kể nhất là chi phí tài chính và chi phí lãi vay, giảm lần lượt 5% và 13%, đạt 155 tỷ đồng và 141 tỷ đồng. Hai khoản chi phí giảm xuống là nguyên nhân chính giúp lãi ròng của doanh nghiệp tăng mạnh thêm 32%, lên 26 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lãi ròng sau kiểm toán tăng do Công ty đã trích trước một số chi phí dự kiến phát sinh nhưng tại thời điểm đó chưa có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo tính thận trọng trong công tác kế toán và phản ánh đúng thực tế tài chính của Công ty.

Dù tăng đáng kể lợi nhuận sau kiểm toán nhưng so với năm trước, kết quả vẫn giảm mạnh theo xu hướng chung. Doanh nghiệp cho biết 2023 có nhiều thách thức với toàn ngành chăn nuôi, khi giá bán duy trì ở mức thấp và nhu cầu tiêu dùng giảm khiến lợi nhuận ngắn hạn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Một nguyên nhân khác là độ trễ của giá nguyên liệu. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quý IV thực chất là từ quý I/2023, thời điểm giá nguyên liệu cao. Ngoài ra, sản lượng heo bán ra chưa tương xứng với quy mô đàn đang sở hữu.

Tuy nhiên, BAF vẫn lạc quan về triển vọng 2024. Từ đầu năm 2024, giá heo hơi trung bình cả nước tăng, có lúc lên trên 60.000 đồng/kg. Doanh nghiệp cho rằng, đây là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận.

Tương tự, cổ đông của Công ty CP Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) cũng đón nhận tin vui khi lãi ròng năm 2023 doanh nghiệp này được điều chỉnh tăng mạnh sau kiểm toán.

lãi ròng của “ông lớn” ngành thực phẩm này ghi nhận hơn 143 tỷ đồng, tăng 33% so với trước khi kiểm toán - Ảnh minh họa.

Lãi ròng năm 2023 của KIDO ghi nhận hơn 143 tỷ đồng, tăng 33% so với trước khi kiểm toán - Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán, lãi ròng của “ông lớn” ngành thực phẩm này ghi nhận hơn 143 tỷ đồng, tăng 33% so với trước khi kiểm toán. Theo lý giải của doanh nghiệp, phần lãi tăng thêm đến từ việc điều chỉnh lại chi phí trích lập trước và trích lập dự phòng.

Tuy mức lãi ròng tăng, nhưng kết quả chung của năm 2023 vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2022. Doanh nghiệp cho biết, kết quả kinh doanh ảm đạm của năm 2023 chủ yếu đến từ biến động của nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam và người dân siết chặt hầu bao. Ngoài ra, biến động chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu và tình hình lạm phát cũng gây ảnh hưởng tới chi phí quản lý của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, “ông lớn” ngành thực phẩm này đã có nhiều động thái mở rộng sang các mảng khác như việc thâu tóm thương hiệu bánh bao Thọ Phát và gia nhập thị trường nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook. Ngoài ra, công ty cũng bắt tay với Tik Tok để triển khai dự án Entertainment & Ecommerce (E2E), kênh bán hàng mới có kết hợp giữa thương mại và giải trí.

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lãi ròng năm 2023 tăng hậu kiểm toán là Công ty CP Vinhomes (HoSE: VHM). Theo đó, VHM ghi nhận lãi ròng tăng 246 tỷ đồng, so với báo cáo tự lập và tăng 16% so với năm 2022, lên 33.371 tỷ đồng...

Doanh nghiệp “bốc hơi” lợi nhuận

Ở nhóm các doanh nghiệp bị “bốc hơi” lợi nhuận sau kiểm toán, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UpCOM: LTG) là cái tên khiến cổ đông thất vọng nhất, khi lãi ròng của doanh nghiệp này “rơi” từ 265 tỷ đồng, xuống chỉ còn gần 17 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 94% hậu kiểm toán.

lãi ròng của doanh nghiệp này “rơi” từ 265 tỷ đồng, xuống chỉ còn gần 17 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 94% hậu kiểm toán - Ảnh: Lộc Trời.

Lãi ròng năm 2023 của Lộc Trời “rơi” từ 265 tỷ đồng, xuống chỉ còn gần 17 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 94% hậu kiểm toán - Ảnh: Lộc Trời.

Theo giải trình của doanh nghệp, chênh lệch lợi nhuận xuất phát từ các yếu tố như doanh thu điều chỉnh giảm hơn 19 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán tăng gần 16 tỷ đồng, do loại trừ phần chiết khấu thương mại và giá vốn từ các giao dịch bản hàng trong nội bộ tập đoàn chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập.

Đặc biệt, khoản lãi từ công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng đến từ việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ, do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập, và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ Tập đoàn.

Tiếp theo là Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) với mức lãi ròng năm 2023 sau kiểm toán giảm 78%, xuống còn gần 2 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên đến từ việc Công ty phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và trích thêm lãi chậm nộp thuế.

Bên cạnh giải trình chênh lệch trước và sau kiểm toán, NBB cũng giải trình về việc lợi nhuận ròng năm 2023 giảm 68% so với năm 2022. Cụ thể, Công ty cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc hoàn trả mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại Carina của một số đơn vị trong giai đoạn đầu năm 2023, dẫn đến sụt giảm doanh thu mảng kinh doanh này.

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) cũng ghi nhận lãi ròng sụt giảm 13% hậu kiểm toán. Cụ thể, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này còn 380 tỷ đồng, tương đương với giảm 13% so với báo cáo tự lập.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này đến từ sự sụt giảm của doanh thu tài chính, với mức sụt giảm 17% so với trước kiểm toán, xuống còn 464 tỷ đồng. Ngoài việc lợi nhuận bị “bốc hơi” hậu kiểm toán, doanh nghiệp này còn bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Transimex (HoSE: TMS) cũng ghi nhận lãi ròng năm 2023 sau kiểm toán "bốc hơi" 51 tỷ đồng, xuống còn gần 137 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, việc lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chủ yếu bởi doanh thu tài chính và phần lãi trong công ty liên doanh liên kết bị điều chỉnh giảm.

Song nguyên nhân chính khiến lãi sau thuế giảm mạnh phải đến từ khoản lợi nhuận khác bị điều chỉnh giảm đến 94%, nhưng lại không được TMS đưa vào phần giải trình. Cụ thể, khoản mục này bị điều chỉnh từ lãi 56 tỷ đồng xuống chỉ còn lãi 4 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 52 tỷ đồng, gần tương tự với con số lãi sau thuế bị điều chỉnh.

Tăng lỗ hậu kiểm toán

Đối với nhóm doanh nghiệp tăng lỗ sau kiểm toán, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) khiến cổ đông buồn nhất, khi “ông lớn” ngành xây dựng này tăng lỗ thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập, lên con số lỗ 1.115 tỷ đồng.

Hòa Bình tăng lỗ thêm 333 tỷ đồng hậu kiểm toán - Ảnh minh họa.

Hòa Bình tăng lỗ thêm 333 tỷ đồng hậu kiểm toán - Ảnh minh họa.

Sự chênh lệch giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán của HBC đến từ sự khác biệt trong cách định giá bất động sản, ghi nhận giá trị còn lại của máy móc thiết bị, xác định các khoản trích lập dự phòng và các khoản phải thu theo phán quyết của tòa.

Việc lỗ 1.115 tỷ đồng trong năm 2023, đã tăng lỗ lũy kế tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu của “ông lớn” ngành xây dựng này xuống còn 93 tỷ đồng thay vì 453,6 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập trước đó.

Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC) cũng ghi nhận lỗ ròng tăng thêm 37 tỷ đồng sau kiểm toán, lên lỗ ròng gần 403 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2010.

Đáng chú ý, ngoài việc tăng lỗ, đơn vị kiểm toán lưu ý người đọc tới khoản lỗ ròng gần 403 tỷ đồng của TDC, đồng thời, tại cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của TDC đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 1.331 tỷ đồng. Qua đó, doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Một doanh nghiệp ngành bất động sản khác là Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (HoSE: TDH) cũng ghi nhận lỗ ròng năm 2023 tăng thêm 14 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập, qua đó, nâng mức lỗ ròng cả năm lên hơn 62 tỷ đồng.

Theo giải trình, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên là vì chi phí tài chính tăng 27% so với báo cáo tự lập, do trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư; chi phí quản lý tăng 4% do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và chi phí dịch vụ mua ngoài; từ lãi khác gần 5 tỷ đồng chuyển thành lỗ khác gần 1 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản, đồng thời ghi nhận tăng chi phí khác của dự án đã hoàn thành.

Hay Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) là một trong số ít các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến thời điểm hiện tại ghi nhận lợi nhuận chuyển từ lãi sang lỗ hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành gỗ này chuyển từ lãi 4 tỷ đồng thành lỗ 144 tỷ đồng sau kiểm toán, nâng lỗ lũy kế của TTF lên hơn 3.225 tỷ đồng.

Sự chênh lệch này chủ yếu đến từ khoản lỗ khác ghi nhận 70 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 18 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Công ty ghi nhận thêm chi phí phạt thuế hơn 40 tỷ đồng cùng với lỗ từ xóa sổ và thanh lý tài khoản hơn 39 tỷ đồng.

Ngoài chênh lệch lớn từ lợi nhuận khác, chi phí bán hàng tăng 3% so với báo cáo tự lập, lên 124 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% so với báo cáo tự lập, lên 130 tỷ đồng... cũng là những yếu tố khiến doanh nghiệp chuyển từ lãi ròng 11 tỷ đồng thành lỗ ròng 134 tỷ đồng sau kiểm toán...

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng Tháp đồng hành cùng doanh nghiệp

    Đồng Tháp đồng hành cùng doanh nghiệp

    14:59, 06/04/2024

  • Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ đầu tư

    Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ đầu tư

    12:58, 06/04/2024

  • Doanh nghiệp xuất khẩu tôm làm gì trước nguy cơ chịu thuế chống trợ cấp của Mỹ?

    Doanh nghiệp xuất khẩu tôm làm gì trước nguy cơ chịu thuế chống trợ cấp của Mỹ?

    11:50, 06/04/2024

  • Mở rộng loại đất làm nhà thương mại: Không công bằng giữa các doanh nghiệp

    Mở rộng loại đất làm nhà thương mại: Không công bằng giữa các doanh nghiệp

    11:40, 06/04/2024

  • Tỷ giá tăng, doanh nghiệp muốn vay USD với lãi suất 4%

    Tỷ giá tăng, doanh nghiệp muốn vay USD với lãi suất 4%

    05:05, 06/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vui – Buồn hậu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO