Xã hội hóa phòng cháy chữa cháy: Vì sao chưa hiệu quả?

Thy Hằng 13/11/2019 09:59

Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác PCCC, khuyến khích đầu tư kinh doanh dịch vụ PCCC chưa hiệu quả vì chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cũng như thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể.

Theo Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt còn nhiều chi tiết hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018. 

Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt báo cáo trước Quốc hôi.

Thiếu cơ chế

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết nằm ở quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC còn chậm, thậm chí có văn bản chưa được ban hành theo quy định của Luật PCCC. một số quy định thiếu tính khả thi hoặc đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hoặc có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào một số dịp cao điểm; địa điểm chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn… chưa quan tâm đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đối tượng được tuyên tuyền chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền thiếu sự đổi mới, chưa căn bản, chưa tiếp cận được đến tất cả các tầng lớp quần chúng nhân dân. Chất lượng công tác tuyên truyền chưa cao, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình cho đến người dân chưa có ý thức trách nhiệm về PCCC. Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền tại một số địa phương, đơn vị, cơ sở chưa tương xứng với yêu cầu.

Tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC còn mang tính hình thức, chưa thực sự quyết liệt, chưa có hiệu quả thực chất. Một số quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP chưa được các đơn vị, địa phương tập trung triển khai. 

“Việc thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa công tác PCCC, khuyến khích đầu tư kinh doanh dịch vụ PCCC chưa hiệu quả vì chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cũng như thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương”, ông Võ Trọng Việt nêu rõ.

Giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước vẫn xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 ha rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.

Nhiều công trình chưa bố trí, xây dựng hạ tầng PCCC

Đặc biệt, theo Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, công tác bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy, công tác quy hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy chuẩn về quy hoạch xây dựng (QCVN 01: 2008/BXD) đối với hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị.

Công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng chưa thực sự chặt chẽ, nhiều dự án, công trình chưa quan tâm bố trí, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ chữa cháy (như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, trụ nước chữa cháy).

Tại nhiều thành phố lớn, nhiều khu dân cư nằm trong ngõ, hẻm sâu, mật độ xây dựng dày; quy hoạch nhà chung cư, liền kề không đảm bảo, không thể bố trí được giao thông, nguồn nước cho công tác chữa cháy, CNCH.

Việc phân công trách nhiệm giữa các cấp, các cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo nên hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng nhiều nơi bị xuống cấp và không được sửa chữa, khắc phục kịp thời. 

Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ nhiều nơi còn mang tính đối phó, chưa đáp ứng với yêu cầu PCCC tại chỗ.

Trang bị, phương tiện quan sát, phát hiện cháy và chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy, công cụ còn thô sơ, phương pháp chữa cháy thủ công trong khi phương tiện cơ giới chuyên dùng không trực tiếp chữa cháy được.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay (13/11), Quốc hội thảo luận công tác phòng cháy, chữa cháy

    04:00, 13/11/2019

  • Diễn tập phòng cháy chữa cháy hưởng ứng Tháng phòng chống cháy nổ 2019

    14:02, 25/10/2019

  • Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

    20:50, 29/06/2019

  • Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

    23:00, 19/05/2019

Thiếu đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC

Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC như cơ sở hạ tầng, giao thông không đáp ứng kịp đối với yêu cầu về PCCC (do tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển không ngừng gia tăng, kéo theo nhiều loại hình mới với nhiều thành phần kinh tế, công trình xây dựng, loại hình cơ sở thuộc diện quản lý PCCC tăng). Vật tư nguyên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày một nhiều, đa dạng.

Vi phạm các quy định về an toàn trong sử dụng điện dân dụng tăng do xuất phát từ khâu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện tại các cơ sở sản suất kinh doanh và hộ gia đình chưa tính toán đến các phụ tải phát sinh dẫn đến quá tải, chập điện, gây cháy nổ. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu công tác PCCC.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh cháy, đặc biệt là cháy rừng, cháy trong khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, phố chợ, các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp... dẫn đến thiệt hại do cháy gây ra là rất lớn, kể cả tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tập quán canh tác nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt còn tiếp diễn, khó kiểm soát; các vụ cháy rừng xảy ra ở địa bàn xa khu dân cư nên công tác điều tra, xác định nguyên nhân, đối tượng gây ra các vụ cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn, do đó chưa có giải pháp sát với thực tiễn.

Ngân sách đầu tư cho lực lượng PCCC, xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện và phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC đã được trang bị còn hạn hẹp, nguồn kinh phí cho PCCC thường bố trí chung với kinh phí bảo đảm an ninh, trật tự; phương tiện, thiết bị cảnh báo lạc hậu, kém hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xã hội hóa phòng cháy chữa cháy: Vì sao chưa hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO