Liên quan đến việc tranh chấp 50,8ha rừng ở Khe Mương, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi làm việc với các cơ quan hữu quan tỉnh Quảng Trị.
Liên quan đến vụ việc tranh chấp 50,8 ha rừng ở thôn Khe Mương, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ngày 17/12 phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Trị nói “Báo chí và địa phương hãy cùng phối hợp tháo gỡ điểm “nóng” trong dân”. Đồng tình, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị phân tích, rừng ở Khe Mương là câu chuyện dài hơi, nhưng bắt đầu phức tạp từ khi chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thời điểm đó, Ban Quản lý dự án trồng rừng huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ký hợp đồng với người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ. Đến năm 2007, khi thực hiện chỉ thị 38 và các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp, UBND tỉnh đã rà soát, đánh giá lại.
Theo đó, một số diện tích rừng không đạt được tiêu chí rừng phòng hộ thì Ban Quản lý dự án trồng rừng bàn giao cho UBND huyện Hải Lăng, địa phương căn cứ vào các văn bản thời điểm đó để giải quyết các vấn đề về sau - đó là việc của địa phương, ông Hòe nhấn mạnh.
Đối với ngành Nông nghiệp, cuối năm 2006 toàn bộ diện tích 50,8ha rừng ở Khe Mương đã được Ban Quản lý dự án trồng rừng Hải Lăng bàn giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn để trực tiếp quản lý, bảo vệ.
Từ logic vụ việc như vậy, ông Hòe rút ra kết luận: Điều đó cho thấy, chủ rừng là cơ quan nhà nước cấp huyện và Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, trực thuộc Sở Nông nghiệp.
Còn việc dân được thuê (ký hợp đồng) trồng rừng cho Ban quản lý thực hiện dự án 661 huyện đã được nghiệm thu và thanh lý hợp đồng. Do vậy, việc giải quyết các vấn đề pháp lý thuộc thẩm quyền của cấp huyện.
Đến năm 2017 khi thực hiện quy định mới của Bộ Nông nghiệp, tỉnh tiếp tục rà soát và xét thấy nhu cầu của người dân địa phương thiếu đất sản xuất; đồng thời qua thời gian cây rừng bị chết, gãy đổ cho nên không đảm bảo được chức năng rừng phòng hộ theo tiêu chí nâng cao.
Cho nên, Sở tham mưu cho tỉnh, làm việc với người dân và chính quyền cơ sở và đã có biên bản thống nhất toàn diện về việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Phương án này đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Từ thời điểm chuyển đổi đến nay đang tập trung giải quyết tài sản trên đất để bàn giao đất cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 05/11/2019
09:00, 31/10/2019
Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó phòng Kế hoạch Tài chính (phục trách lâm nghiệp) đưa ra quan điểm làm việc là lúc nào cũng tìm cái gì có lợi cho dân để tham mưu cấp trên. Nếu khoản kinh phí (bán rừng) để lại cho Ban quản lý dự án hay là nộp vào ngân sách thì cũng phục vụ lại công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.
Theo bà Hương việc người dân kiến nghị về sở hữu rừng trong trường hợp này là không có cơ sở, vì nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đã được thanh toán tiền công.
Ông Văn Ngọc Thắng, Chi cục phó Kiểm lâm giải thích, tất cả rừng theo dự án 661 đều do các Ban quản lý dự án thuê người dân trồng và trả công sòng phẳng. Khi có chính sách quy hoạch 3 loại rừng, tất cả các công đoạn bàn giao rừng đều do chủ thể là cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước chứ không phải là dân.
Nhà nước bỏ vốn ra trồng và bảo vệ thì nguyên tắc nhà nước phải thu hồi vốn, từ năm 2007 ai được bàn giao rừng tự trang trải chi phí bảo vệ và chăm sóc và phải được cấp sổ đỏ hoặc quyết định mới có quyền khai thác hưởng lợi. Còn lại không người dân nào còn dính dáng đến rừng.