Xắn tay áo và... “mần ngay”

Ousmane Dione - Giám đốc Quốc Gia WB tại Việt Nam 07/02/2019 14:09

Ở kỷ nguyên số, các công nghệ đột phá sẽ mang đến thách thức lẫn cơ hội và Việt Nam cần "xắn tay áo" để chớp thời cơ này…

Công nghệ đã có mặt ở khắp mọi nơi, và dường như chúng ta không thể tách rời sự chú ý của mình khỏi nó. Còn nhớ năm 1983, người ta chỉ có thể thực hiện cuộc gọi bằng chiếc Motorola DynaTAC 8000x. Giờ đây, chiếc iPhone chỉ nặng bằng khoảng 16% người anh em họ xa của nó từ 35 năm trước, nhưng lại có mức độ hữu ích lớn hơn gấp bội lần.

Trợ lực từ công nghệ

Ngân hàng Thế giới hiện (WB) đang hỗ trợ sáng kiến cho phép người nông dân sử dụng điện thoại thông minh, kết hợp với một thiết bị cảm biến tự động trên thửa ruộng của mình, để theo dõi mực nước trên đồng lúa. Khi mực nước xuống thấp, nông dân có thể sử dụng điện thoại để kích hoạt máy bơm. Nông dân cũng có thể đồng thời theo dõi từ xa nhiều thửa ruộng và trạm cảm biến. Công nghệ này giúp tăng năng suất nông nghiệp, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính và góp phần phát triển nông thôn ở Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Cách mạng 4.0 và sự thịnh vượng của Việt Nam

    11:03, 06/02/2019

  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cách mạng 4.0 tạo "điểm gãy" chuyển đổi số và tạo đà tăng trưởng

    16:10, 17/01/2019

  • Doanh nhân Việt: Người thắp lửa cho kỷ nguyên số

    05:00, 05/02/2019

  • Vsmart sẽ bước vào kỷ nguyên số nhờ startup triệu USD này

    04:28, 27/12/2018

  • "Chất xám Châu Âu" cùng Vsmart bước vào kỷ nguyên số

    13:58, 17/12/2018

Kể câu chuyện đó để thấy công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống cho dù bạn là ai. Sự hội tụ của nhiều công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, sản xuất và tiêu dùng. Đôi khi sự thay đổi này diễn ra từ từ, nhưng nó cũng có thể mang tính đột phá và trở thành thách thức thực sự.

Về mặt áp dụng kỹ thuật số, Việt Nam có điểm mạnh nhưng cũng còn nhiều thách thức. Báo cáo Phát triển của WB năm 2016 về Lợi ích số xếp hạng Chỉ số Áp dụng Kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 0,46 trên thang điểm 1. Mặc dù xếp cao hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên toàn cầu, nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực.

Để Công nghiệp 4.0 mang lại lợi ích cho Việt Nam, trước tiên chính phủ phải đảm bảo môi trường quản lý thân thiện, thuận lợi để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng suất. Điều này bao gồm ổn định vĩ mô, tăng khả năng thích ứng, tính bền vững...

Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam là 54%, và có tới 40% dân số Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy những con số này rất ấn tượng nhưng xếp hạng của Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực theo các thước đo về kỹ thuật số khác dựa trên một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Alphabeta.

Rõ ràng, để có bước tiến nhảy vọt, Việt Nam phải nâng cấp cách thức chính phủ vận hành. Có ba mối quan hệ với chính phủ mang ý nghĩa quan trọng, đó là giữa các cơ quan của chính phủ (G2G), giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B), và giữa chính phủ với người dân (G2C). Công nghệ có thể hỗ trợ theo nhiều cách, nếu chúng ta có thể nắm bắt công nghệ một cách chiến lược để đảo ngược những thách thức tiềm ẩn đối với các mối quan hệ này.

Nhưng một mình công nghệ không thể giải quyết được vấn đề. Việc thuần túy đầu tư vào phần mềm hoặc phần cứng sẽ không cải thiện được khả năng vận hành của chính phủ. Chính phủ sẽ không thể là đối tác của Công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong Bộ máy Quan liêu 1.0.

Vậy phải làm thế nào?

Tin rằng một công thức với ba yếu tố, tương tự như chiếc kiềng ba chân, có tầm quan trọng mật thiết với Kỷ nguyên số để thực sự giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển của mình, đó là công nghệ, thể chế và con người.

Trước hết, về công nghệ, Việt Nam cần nắm bắt các giải pháp kỹ thuật số tích hợp. Theo đó, Chính phủ cần áp dụng một cách tiếp cận toàn diện về cách công nghệ có thể hỗ trợ cải cách nhằm tác động và chuyển đổi những kết quả phát triển của mình. Cơ sở hạ tầng có khả năng tương tác làm nền tảng sẽ tăng cường các mối quan hệ G2G, G2B và G2C, tối ưu hóa các khoản đầu tư của chính phủ và kết nối các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền tại trung ương và địa phương.

Một yếu tố quan trọng khác là dữ liệu mở. Dữ liệu được công khai và kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và giữa chính phủ với doanh nghiệp và người dân sẽ cho phép chúng được sử dụng tối ưu để đem lại nhiều lợi ích to lớn trong tương lai.

Ngoài ra, thúc đẩy công nghệ tài chính, hay còn gọi là Fintech, cũng có thể là công cụ để cải thiện các mối quan hệ G2B và G2C tại Việt Nam. Blockchain có thể được sử dụng để tăng hiệu quả và bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu.

Thứ hai là thể chế - Chính phủ cần đưa các thể chế vào hoạt động và tinh giản quy trình hoạt động của mình để tạo điều kiện đổi mới. Tất cả các chức năng của điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị khác chỉ có thể hoạt động khi có nền tảng tổ chức và quy trình phù hợp. Các điều kiện này bao gồm khung tương tác số hoá, quy trình quản lý tài sản kỹ thuật số, và bảo vệ quyền riêng tư.

Thứ ba là con người– Việt Nam phải đầu tư vào kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động trong tương lai. Về nguồn nhân lực, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt về giáo dục phổ thông, phản ánh qua những kết quả cao trong các đánh giá quốc tế như PISA và Young Lives, và có một thế hệ trẻ năng động, có thể nắm bắt và thích nghi với thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 7 về cải thiện chỉ số Bảo hiểm y tế toàn dân. Một thách thức quan trọng đối với Việt Nam là chỉ có 8% lực lượng lao động có giáo dục đại học, và tỷ lệ này không đủ để thực hiện bước nhảy vọt trong Kỷ nguyên số. Người lao động cần được trang bị đúng các kỹ năng cần thiết để vượt lên trên làn sóng công nghệ này.

Có một câu nói tiếng Việt rất hay là: “Hãy xắn tay áo và LÀM NGAY – “mần ngay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xắn tay áo và... “mần ngay”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO