Xăng dầu tăng giá liên tiếp 4 lần: Vì sao Quỹ bình ổn vẫn “bất động”?

KHÔI NGUYÊN 08/07/2024 03:00

Việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu "bất động" trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết thị trường. Vì sao Quỹ bình ổn giá xăng dầu không được thực hiện đúng theo chức năng vốn có?

>>“Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng”

IHIHIH

Giá xăng trong nước hiện nay đã ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp. Ảnh minh hoạ

Theo đó, giá xăng trong nước hiện nay đã ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp, đưa giá xăng RON95 vượt 23.500 đồng/lít. Giá xăng E5RON92 lên mức 22.460 đồng/lít; xăng RON95 lên 23.550 đồng/lít. Trước đó, lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng dầu, liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này (từ ngày 27/6 đến ngày 3/7) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Trong đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao tại Mỹ trong giai đoạn cao điểm của mùa du lịch hè, chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, Ukraine tiếp tục tấn công vào kho chứa dầu của Nga, lo ngại xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đánh giá rằng, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có xu hướng tăng.

Đáng chú ý, trong kỳ điều hành lần này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích lập, đồng thời không chi Quỹ bình ổn đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Việc để giá xăng dầu liên tiếp tăng, nhưng quỹ bình ổn giá xăng dầu lại "bất động" khiến nhiều ý kiến chuyên gia quan ngại về vai trò, khả năng của Quỹ này trong việc ổn định thị trường xăng dầu.

Chia sẻ về nội dung này trên tờ Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu xuất hiện từ nhu cầu bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện chúng ta còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quỹ bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường.

Những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn thì quỹ bị âm. Mặt khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cho nên có nhiều thời điểm, quỹ đã bị doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Quyết định thành lập - ghi rõ "có tác dụng trong thời điểm 2012-2016. Nhưng, từ đó đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn tồn tại, điều này không đúng các quy định của pháp luật hiện hành", ông Vũ Vinh Phú nói.

Theo vị chuyên gia, quỹ còn thực hiện việc bù chéo giữa xăng và dầu ở một số giai đoạn nhất định. Điều đó là không thể chấp nhận. Một ví dụ cụ thể về việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm nhiệt giá xăng dầu, đó là trong quý I/2024, có thời gian giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng, từ mức dưới 22.000 đồng lên mức trên 25.000 đồng/lít. Thời điểm này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn rất lớn, gần 7.000 tỉ đồng, nhưng không chi sử dụng để bình ổn giá, kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.

Việc quỹ "bất động" trong thời gian dài (từ tháng 10/2023 đến nay) đã ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường xăng dầu, gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (sử dụng nguyên liệu đầu vào là xăng dầu). Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất này do Quỹ bình ổn xăng dầu không được thực hiện theo đúng chức năng vốn có.

Từ những khiếm khuyết nêu ở trên về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho thấy, đã đến lúc phải bỏ quỹ này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là khi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu thì chúng ta điều tiết thị trường bằng gì?

"Tôi cho rằng, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (tiền của dân) thì phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Bởi, như tôi đã nói, hiện nay, thị trường xăng dầu của ta còn khá phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, chỉ một biến động của thị trường xăng dầu thế giới cũng khiến thị trường trong nước chao đảo.

Do vậy, Quỹ bình ổn bằng hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết. Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói.

>>Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Lập sàn giao dịch có khả thi?

IHIHIH

Việc để giá xăng dầu liên tiếp tăng, nhưng quỹ bình ổn giá xăng dầu lại "bất động" khiến nhiều ý kiến chuyên gia quan ngại về vai trò, khả năng của quỹ này trong việc ổn định thị trường xăng dầu. Ảnh minh hoạ

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, Quỹ bình ổn giá chưa được quản lý minh bạch. Theo vị chuyên gia, Quỹ bình ổn giá là nguồn tài chính quan trọng để điều tiết giá xăng dầu lúc giá thế giới tăng cao, giúp ổn định chỉ số giá tiêu dùng CPI, chống lạm phát trong nước. Vậy nhưng, vào thời điểm cần thiết phải chi nhằm giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng, quỹ lại không "ra tay". Trong khi đó, việc giá xăng dầu liên tục cao sẽ ảnh hưởng đến giá cả sinh hoạt, chi phí sản xuất của doanh nghiệp, chi phí vận tải, logistics… đặc biệt đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng, dầu.

Dù Quỹ bình ổn giá chưa có điều luật nào cho bỏ, tuy nhiên, muốn duy trì, phải bảo đảm tính độc lập. Không nên để tại tài khoản doanh nghiệp đầu mối xăng dầu quản lý như lâu nay. Hậu quả nhãn tiền của việc bỏ hàng ngàn tỉ đồng của người dân tại tài khoản doanh nghiệp đầu mối quản lý đã được chính Thanh tra Chính phủ, cơ quan quản lý, người dân thấy rõ không an toàn. Tại sao đến lúc này vẫn duy trì cách giữ quỹ đó? 

Thứ 2, trong thời gian chờ cơ chế mới nhằm tăng tính minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, ví dụ như xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đang được triển khai, Chính phủ cũng nên tính đến việc quản lý quỹ bảo đảm tính độc lập cao hơn. Để Quỹ vận hành hiệu quả theo mục tiêu cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc minh bạch có sự giám sát của Nhà nước, nhân dân. Đặc biệt việc trích lập quỹ cần minh bạch và phát huy vai trò điều tiết của quỹ cao nhất có thể", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Lập sàn giao dịch có khả thi?

    Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Lập sàn giao dịch có khả thi?

    04:00, 05/07/2024

  • Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Có nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá?

    Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Có nên sử dụng công cụ bảo hiểm giá?

    04:00, 29/06/2024

  • Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Nên thành lập sàn kinh doanh

    Khắc phục bất cập của thị trường xăng dầu: Nên thành lập sàn kinh doanh

    05:00, 13/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xăng dầu tăng giá liên tiếp 4 lần: Vì sao Quỹ bình ổn vẫn “bất động”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO