Không chỉ còn là yêu cầu, “xanh hoá” bao bì, tập trung vào hàm lượng tái chế đang trở thành đòi hỏi bắt buộc, mà nếu doanh nghiệp không đáp ứng tức là "tự sát".
>>>Cơ hội nào cho bao bì thân thiện môi trường?
Tuy vậy, ở Việt Nam, việc tìm hiểu về quy định bao bì, nhãn dán của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Giới chuyên gia cảnh báo thách thức cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam là nhiều quốc gia nhập khẩu đang có những chính sách mới với việc tăng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và hàm lượng tái chế đối với bao bì sản phẩm.
Nói như ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, nhiều nước nhập khẩu đã có quy định về việc tái chế, hạn chế hoặc cấm bao bì sử dụng một lần, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý.
"Liên quan đến bao bì, các nước nhập khẩu đã có quy định về việc tái chế, hạn chế hoặc cấm bao bì sử dụng một lần. Vấn đề tái sử dụng tất cả nguyên liệu, bao gồm bao bì và kinh tế tuần hoàn đang được quan tâm khắp thế giới, các doanh nghiệp cần chú ý để giữ thị trường", ông Việt Anh khuyến cáo.
Hay như mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Canada gần đây có khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến của Việt Nam cần lưu ý đến các quy định mới về rác thải nhựa của Canada. Bởi lẽ, theo lộ trình, bắt đầu từ tháng 12/2022, Canada cấm nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi đi chợ, dao dĩa nhựa, bát đĩa nhựa dùng một lần…Ngoài ra, từ tháng 6/2023, nước này sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm đồ uống có ống hút và tay xách nhựa và sẽ cấm bán hoàn toàn các sản phẩm này từ 6/2024.
Không chỉ vậy, Chính phủ Canada trong năm 2023 sẽ xây dựng các quy chuẩn ghi nhãn mới liên quan đến dấu hiệu “có thể tái chế” trên sản phẩm và các quy định về ghi nhãn đối với sản phẩm nhựa có thể tự huỷ. Sau khi có quy chuẩn này, Canada chắc chắn sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc cấm nhập khẩu các sản phẩm có bao bì bằng nhựa không mang biểu tượng tái chế. Đó là lý do mà một số nhà nhập khẩu hàng hoá Việt Nam sang Canada đang lên kế hoạch chuyển đổi bao bì trong năm 2023 sắp tới.
Các chuyên gia đều nhận định, quan điểm chung của thế giới hiện nay là hướng đến kinh tế tuần hoàn, tức là tái sử dụng lại tất cả những sản phẩm của mình, trong đó có bao bì. Đây là yêu cầu quan trọng hơn so với những sản phẩm thân thiện với môi trường, vẫn đưa ra môi trường nhưng lại không tái sử dụng lại.
“Hoạt động xuất khẩu của chúng ta có độ mở rất lớn với thế giới. Cho nên, trong vấn đề về bao bì, thế giới có quy định gì, có phong trào gì thì chúng ta cũng phải tuân thủ theo. Đặc biệt là những quốc gia thành viên của COP. Như ở châu Âu đã đưa vào luật những gì liên quan đến kinh tế tuần hoàn, liên quan đến tái chế, và chúng ta cũng gặp thách thức với chuyện này, khi luật của họ có thưởng, có phạt và làm rất nhanh”, ông Trần Việt Anh lưu ý.
Không những thế, như quan điểm của ông Trần Việt Anh, đặc biệt với những doanh nghiệp nào không đạt chuẩn trong quá trình tham gia hội nhập và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà liên quan đến kinh tế tuần hoàn và hàm lượng tái chế thì sẽ không thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
>>>“Xanh hóa" ngành sản xuất bao bì
“Và một khi doanh nghiệp không tham gia được vào hoạt động xuất khẩu thì sẽ không tham gia ngay tại thị trường trong nước. Chúng ta không nên xây dựng những doanh nghiệp mà làm đủ chuẩn để xuất khẩu nhưng trong nước lại làm theo chuẩn khác. Điều này đòi hỏi sự đồng nhất và doanh nghiệp phải sống trên một quy định, trên một quy trình sản xuất, là sản phẩm phải như nhau”, ông Trần Việt Anh chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen khẳng định, bao bì không chỉ là công cụ để bảo vệ sản phẩm mà còn giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, với các sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần biết rõ các yêu cầu của thị trường liên quan đến bao bì để tránh tình trạng hàng hóa bị từ chối.
Thậm chí, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định, bao bì không thân thiện với môi trường, ghi nhãn không đúng, chắc chắn sản phẩm sẽ không được nhập khẩu, mặc dù bao bì đẹp cỡ nào đi chăng nữa.
Theo bà Kim Hạnh, xu hướng hiện nay, bao bì phải phù hợp với quy cách mới về thân thiện với môi trường. Đồng thời, ghi nhãn bao bì đúng là những cái rất mới và quan trọng hơn bao bì đẹp. Bao bì đẹp cũng tùy phân khúc khách hàng, cái đẹp là cái tinh tế nhất, hấp dẫn nhất song quan trọng vẫn là quy cách.
Còn bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Nhà nghiên cứu về Phát triển bền vững,cho rằng việc “xanh hóa bao bì” không nằm ngoài mục tiêu tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Do đó, tư duy lại bao bì cần phương pháp nghiên cứu phát triển bao trùm sản phẩm, dịch vụ như cố gắng sử dụng chất liệu tái chế hơn là nguyên chất, ưu tiên hiệu quả và tương thích với hệ thống tái chế, tái sử dụng và xử lý tại địa phương.
“Doanh nghiệp cần mang lại trải nghiệm cho người tiêu dùng theo hướng tuần hoàn, gồm: tái chế, tái tạo… Ngoài ra, cần chú trọng công năng của bao bì, tiện nghi cho người dùng, phòng tránh độc hại xâm nhập, sử dụng một loại chất liệu”, bà Yến nhấn mạnh chia sẻ đồng thời cho biết, hiện nay có khoảng 38% người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho sản phẩm xanh, bền vững.
Nói chung, trước những thách thức lớn trên thị trường xuất khẩu đối với các yêu cầu mới về bao bì sản phẩm, nếu các doanh nghiệp Việt không thích ứng, chậm thay đổi, chưa có chiến lược đúng về bao bì “xanh hoá”, chưa tập trung vào hàm lượng tái chế thì xem như “tự sát”, thị trường xuất khẩu sẽ rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài biết thích ứng nhanh hơn, tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 28/11/2022
10:00, 25/11/2022
03:45, 16/11/2022
01:02, 30/06/2022