Khi kinh doanh bền vững, mỗi doanh nghiệp sẽ góp thêm một “nét vẽ” mang sắc màu “mạnh kinh tế, vững môi trường, giàu xã hội” vào bức tranh hạnh phúc chung – vì một tương lai mà chúng ta mong muốn.
>>CSI- công cụ quản trị doanh nghiệp bền vững
LTS: Thông qua Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI), VCCI đã góp phần chuyển đổi tư duy kinh doanh, từ kinh doanh vị lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh bao trùm và bền vững hơn.
“Tương lai mà chúng ta mong muốn” là chủ đề chính và cũng là bản tuyên bố về phát triển bền vững (PTBV) và nền kinh tế xanh được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc (UN) về phát triển bền vững (Rio +20) vào năm 2012. Đây là tiền đề thúc đẩy 193 quốc gia thành viên UN, trong đó có Việt Nam, thông qua Chương trình nghị sự 2030 (với trọng tâm là 17 Mục tiêu Phát triển bền vững – SDGs) vào tháng 9/2015.
Bắt đầu từ sự chuyển đổi
Một “tương lai mà chúng ta mong muốn” được xây dựng dựa trên các trụ cột về xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, năng lượng, giao thông bền vững, đô thị bền vững, y tế và dân số, cũng như thúc đẩy việc làm đầy đủ và năng suất. Những trụ cột đó được cụ thể hóa thông qua 169 mục tiêu cụ thể của 17 SDGs với 17 sắc màu khác nhau, hòa trộn cùng tạo nên “bức tranh” của một tương lai hạnh phúc.
Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu, đang tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho kinh doanh bền vững, bắt kịp với xu thế toàn cầu.
Điển hình như Vinamilk có trang trại và nhà máy đạt chứng nhận trung hòa các- bon theo tiêu chuẩn quốc tế và đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050; Traphaco, thông qua dự án GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà (mô hình kinh tế bao trùm) bao gồm: nhà nước (chính quyền) - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, qua đó không chỉ giúp công ty tự chủ về nguyên liệu sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tích cực tới cộng đồng yếu thế, tạo công ăn việc làm, xóa nghèo bền vững; PNJ tiên phong tích hợp chiến lược ESG vào chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp và đưa ra cam kết không ngừng cải thiện và tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn ESG; hay Tập đoàn PAN và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”, và mới đây tại Hội nghị COP 28, Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ để thúc đẩy khả năng tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố ESG, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp theo đuổi các mục tiêu PTBV. Đây cũng là các doanh nghiệp thành viên tích cực của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) được VCCI thành lập theo phê duyệt của Chính phủ từ năm 2010.
>>CSI thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững
Tuy nhiên, với hơn 96% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nguồn lực hữu hạn và chưa có sự quan tâm, đầu tư đầy đủ cho công tác quản trị doanh nghiệp, điều này phần nào tạo ra rào cản cho chính các doanh nghiệp khi theo đuổi chiến lược PTBV, cũng như tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Để “gỡ bỏ” rào cản đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với hạt nhân là VBCSD, đã tiên phong khởi xướng xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) từ năm 2014 và triển khai thường niên Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bước sang năm thứ 8, Chương trình CSI 2023 có sự đồng hành chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương trình đã xây dựng được vị thế riêng, nhận được sự đánh giá cao và ghi nhận của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, và các đối tác quốc tế. Vượt ra ngoài mục tiêu tìm kiếm và biểu dương các doanh nghiệp làm tốt thực hành kinh doanh bền vững, thông qua Chương trình, VCCI góp phần chuyển đổi tư duy kinh doanh, từ kinh doanh vị lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh bao trùm và bền vững hơn. Đó chính là “cái được” lớn nhất mà CSI mang đến. Đối với doanh nghiệp, bên cạnh được biểu dương với danh hiệu Doanh nghiệp bền vững, khi tham gia Chương trình và áp dụng Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp biết được mình đang ở đâu trên lộ trình PTBV, cần khắc phục, cải thiện hay phát huy điểm gì, từ đó có kế hoạch quản trị rủi ro, nâng tầm quản trị công ty để ứng phó và hành động để thay đổi tốt hơn.
100 doanh nghiệp bền vững, cùng với các doanh nghiệp được biểu dương cho các nội hàm chuyên đề về “Thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải các - bon” và “Xây dựng giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm” trong Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2023 sẽ là “cú hích” tiếp thêm động lực chuyển đổi tư duy và hành động từ “xám” sang “xanh” cho các doanh nghiệp trên mọi miền tổ quốc.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI): Đóng góp cho tăng trưởng xanhTôi rất vui mừng khi thấy trong những năm gần đây, Việt Nam đã có thêm các doanh nghiệp được lọt danh sách CSI 100 với rất nhiều thực hành tốt về phát triển bền vững. Việc được bình chọn trong danh sách CSI 100 là một sự ghi nhận đáng tự hào đối với những nỗ lực không ngừng của chúng tôi trong việc thực hiện cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Chúng tôi tự hào khi luôn tiên phong và nỗ lực vì một tương lai xanh và bền vững hơn. Tại Việt Nam, Nestlé đang thực hiện nhiều sáng kiến bền vững nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, với các ưu tiên gồm: Phát triển thể chất và dinh dưỡng cho trẻ em, thu mua có trách nhiệm, hành động chống biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bao bì bền vững. Để thực hiện cam kết về thu mua bền vững, Nestlé Việt Nam đã triển khai Chương trình canh tác cà phê bền vững Nescafé Plan tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011. Chương trình đã góp phần giảm 20% lượng phân bón, tiết kiệm 40% lượng nước tưới trong canh tác cây cà phê, giúp người nông dân tăng từ 30-100% thu nhập nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý… Ông Nguyễn Văn Hùng Cường, Tổng Giám đốc Công ty SASCO: Lan tỏa hạnh phúcCông ty SASCO hoạt động đa ngành từ dịch vụ phòng chờ thương gia, kinh doanh hàng miễn thuế, khu nghỉ dưỡng, du lịch, cung ứng suất ăn hàng không, vận chuyển… Những cá nhân tạo thành lực lượng lao động SASCO cũng đa dạng như vậy. SASCO hiểu rằng sức mạnh thực sự của Công ty nằm ở sự đa dạng đó: đa dạng về độ tuổi, chủng tộc, giới tính, kỹ năng, kiến thức, góc nhìn, và kinh nghiệm. Để tận dụng tối đa sức mạnh này, chúng tôi tạo ra một văn hóa hội nhập, nơi mỗi cá nhân, bất kể nền tảng của họ, cảm thấy được đánh giá cao, được tôn trọng, và được trao quyền để đóng góp hết mình vào sứ mệnh của Công ty. “Đa dạng là thực tế, hội nhập là sự lựa chọn” và việc xây dựng văn hóa hội nhập là sự lựa chọn và cam kết từ chính những người đứng đầu, định hướng chủ đạo xuyên suốt chiều dài phát triển của SASCO. Năm 2023 đánh dấu 30 năm xây dựng và trưởng thành của SASCO (1993-2023) và dấu mốc khôi phục phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp sau đại dịch. SASCO viết tiếp hành trình diệu kỳ ba thập kỷ qua bằng bản lĩnh tiên phong, kiên định mục tiêu phát triển bền vững. Nguồn nhân lực hạnh phúc kiến tạo từ văn hóa đạ dạng, hội nhập, một lần nữa minh chứng khả năng tăng cường các nỗ lực bền vững của doanh nghiệp. Ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam: Một thế giới không rác thảiLà một thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới, chiến lược phát triển của Coca-Cola luôn tập trung vào yếu tố con người, trong đó bao gồm khách hàng và nhân viên của công ty, và các giải pháp bền vững giúp củng cố các thế mạnh của chúng tôi nhằm thích ứng với những thách thức trước mắt và cả trong tương lai, đồng thời tạo ra những thay đổi tích cực cho hành tinh. Các sáng kiến bền vững của Coca-Cola tập trung vào bao bì bền vững, quản lý nguồn nước, chống biến đổi khí hậu, sản phẩm, hỗ trợ người dân và cộng đồng. Bên cạnh những nỗ lực cải tiến bao bì bền vững và thúc đẩy sự hợp tác với các đối tác có cùng sứ mệnh và tầm nhìn, Coca-Cola muốn mang “Một thế giới không rác thải” đến gần hơn với người tiêu dùng. Trong năm nay, Coca-Cola đã thực hiện chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” - một lời hứa bền vững của nhãn hàng đối với người tiêu dùng. Sáng kiến “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" hướng đến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giá trị của tái chế chai nhựa PET sau khi sử dụng, giúp thúc đẩy việc thu gom và tái chế chai nhựa để góp phần vào hỗ trợ vòng tuần hoàn của chai nhựa PET tại Việt Nam. Ông Phạm Hùng Anh Tuấn, Giám đốc khối Sản xuất của BAT Việt Nam: Sáng kiến thực tiễnBộ chỉ số CSI của VCCI là công cụ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững, giúp cộng đồng doanh nghiệp tự đánh giá tính hiệu quả và mức độ ảnh hưởng của các hoạt động phát triển bền vững của mình, từ đó cải thiện hoặc tiếp tục phát huy. Việc đạt được bộ chỉ số này và được vinh danh tại “Chương trình CSI 100 Doanh nghiệp Bền vững 2023” do VCCI chủ trì mang lại cơ hội nâng cao uy tín, gia tăng lòng tin của các bên liên quan, và thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có BAT Việt Nam. Trong suốt 28 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, BAT luôn xem phát triển bền vững là giá trị cốt lõi của các hoạt động vận hành, kinh doanh của chúng tôi, và không ngừng thúc đẩy cam kết này thông qua duy trì thực hiện chương trình phát triển bền vững với nhiều sáng kiến thực tiễn. Các mục tiêu phát triển bền vững của BAT Việt Nam dựa trên chiến lược của Tập đoàn, đồng thời song hành với các mục tiêu của Chính phủ và phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi hướng đến sự xuất sắc trong quản lý môi trường, mang lại các tác động xã hội tích cực, và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp hiệu quả, từ đó tạo ra những giá trị chung cho các bên liên quan. Đây là kim chỉ nam để BAT Việt Nam tiếp tục phát triển, và truyền cảm hứng để các bên có cùng tầm nhìn chung tay xây dựng một Việt Nam bền vững hơn. |