Chính sách - Quy hoạch

Xây dựng mô hình Quỹ nhà ở quốc gia cần tính đến nhiều yếu tố

Diệu Hoa 01/04/2025 05:00

Để xây dựng Quỹ nhà ở quốc gia, các yếu tố về khung pháp lý, cấu trúc quản lý, nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ tài chính, phối hợp công tư, cơ chế giám sát... cần được xây dựng rõ ràng.

Để tạo lập chỗ ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp tại các đô thị, trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.

Nguồn cung nhà ở vẫn chưa thực sự cải thiện, giá nhà đang quá cao. Ảnh: DH
Phát triển quỹ nhà ở quốc gia là rất cần thiết. Ảnh: DH

Cần quy định chặt chẽ

Các chuyên gia đánh giá đây là giải pháp phù hợp với bối cảnh phát triển nhà ở tại các đô thị hiện nay. Không những vậy, nguồn cung nhà ở giá rẻ sẽ được duy trì ổn định, đảm bảo cân bằng về nguồn cung, từ đó tạo ra sự cân bằng cung – cầu cho thị trường bất động sản. Có thể thấy, mô hình Quỹ nhà ở quốc gia không những có thể đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề an cư, giải quyết nhu cầu nhà ở và ổn định cuộc sống cho người lao động thu nhập trung bình thấp, mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững hơn.

Nếu Quỹ nhà ở quốc gia được thông qua và triển khai, để phát huy hiệu quả, cần xác định mục tiêu rõ ràng, đa dạng hóa nguồn vốn và tăng cường quản lý minh bạch.

Trao đổi về vấn đề này, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên Cứu & S22M, Savills TP HCM cho hay, tại nhiều quốc gia Châu Âu (Pháp, Đức, Thụy Điển) và Châu Á như Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc, mô hình Quỹ phát triển nhà ở được vận hành từ nhiều thập kỉ nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận nhà ở hiệu quả. Một số điểm chung của các mô hình này là khung pháp lý rõ ràng, huy động vốn đa dạng, quy hoạch quỹ đất và hạ tầng đồng bộ, quản trị minh bạch, giám sát chặt chẽ và sự phối hợp đồng bộ từ mọi nguồn lực.

Đầu tiên phải kể đến là khung pháp lý rõ ràng. Các quốc gia áp dụng mô hình này thành công đều có luật, quy định riêng cho hoạt động của Quỹ hoặc cơ quan phát triển nhà ở, giúp tạo môi trường minh bạch và ổn định. Ngoài ra, việc đa dạng hóa kênh huy động vốn cũng được triển khai tích cực thông qua tận dụng nhiều kênh: ngân sách nhà nước, phát hành trái phiếu, đóng góp của khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế, quỹ hưu trí… để đảm bảo dòng vốn bền vững.

Thêm vào đó là việc quy hoạch quỹ đất và hạ tầng đồng bộ, đi kèm với hệ thống quản trị minh bạch, giám sát chặt chẽ. Cuối cùng là sự phối hợp đồng bộ từ mọi nguồn lực.

Theo bà Giang Huỳnh, các mô hình thành công đều có sự bảo lãnh mạnh mẽ của chính phủ, cơ chế tài chính ổn định, quản lý minh bạch, quy hoạch đất đai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân. Trong một số mô hình, người mua đóng góp một khoản tiền cố định vào quỹ, đi kèm với các yêu cầu ràng buộc nhất định, nhằm tiếp cận các chính sách vay mua nhà ưu đãi.

Vị chuyên gia nhận định, việc xây dựng một mô hình lớn như Quỹ nhà ở quốc gia cần tính đến rất nhiều yếu tố để khi triển khai không gặp sự vướng mắc và lãng phí. Các yếu tố về khung pháp lý, cấu trúc quản lý, nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ tài chính, phối hợp công tư, cơ chế giám sát,... đều là những vấn đề lớn cần được xây dựng rõ ràng.

Khi triển khai xây dựng mô hình nên học theo các quốc gia đã triển khai thành công và có những điểm tương đồng trong thể chế, chính sách và điều kiện thị trường tương tự Việt Nam.

Đa dạng dòng vốn, giám sát chặt chẽ

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng cho rằng việc lập Quỹ nhà ở quốc gia với một hội đồng quản lý quỹ lúc này rất cần thiết. Luật Nhà ở đã đề cập đến hàng loạt nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại, phát triển nhà ở xã hội nhưng lại thiếu cơ chế riêng cho phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

Mức giá cao, không đa dạng về sản phẩm khiến người mua nhà e ngại xuống tiền.
Quỹ nhà ở quốc gia góp phần đa dạng hóa nguồn lực để phát triển nhà ở cho người dân.

Theo ông Châu, cần coi Quỹ nhà ở quốc gia là thiết chế để quản lý các nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội. Cần ổn định lãi vay theo chu kỳ 5 năm và có kế hoạch điều chỉnh lãi vay cho những chu kỳ tiếp theo để người mua nhà nắm được.

Còn theo TS Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập, điều phối và vận hành Quỹ nhà ở quốc gia, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhằm tối ưu hóa nguồn lực. Cơ chế xét duyệt và giám sát chặt chẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch và tránh thất thoát, đồng thời đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thực sự có nhu cầu.

"Nếu được triển khai một cách bài bản, mô hình Quỹ Nhà ở quốc gia có thể trở thành một giải pháp quan trọng, giúp hàng triệu người dân tiếp cận nhà ở giá hợp lý, đồng thời góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững" - TS Võ Trí Thành cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng mô hình Quỹ nhà ở quốc gia cần tính đến nhiều yếu tố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO