Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI Quảng Ninh đã chú trọng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động, tiến bộ trong doanh nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Khai thác tối đa tiềm năng từ khu công nghiệp chuyên sâu
Đảm bảo quyền lợi
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh: Ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) việc xây dựng các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có chất lượng, phù hợp với thực tiễn là điều kiện cần thiết để từng bước góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết, là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng đô thị. Sau 4 năm đi vào hoạt động TƯLĐTT của công ty đã có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, như: Tiền ăn trưa 730.000 đồng/người/tháng; phụ cấp bữa ăn tăng ca 28.000 đồng/bữa; mua bảo hiểm sức khỏe tai nạn 24/24h và bảo hiểm sức khỏe toàn diện hằng năm; người lao động nghỉ 13 ngày lễ, tết trong năm được hưởng nguyên lương (quy định chỉ nghỉ 11 ngày); hỗ trợ tiền xăng xe cho nhân viên theo quãng đường 120.000-1,2 triệu đồng/người/tháng; người lao động được đi tham quan, nghỉ mát; phụ cấp ngày thành lập công ty, Tết Dương lịch hưởng nửa tháng lương cơ bản (theo quy định lương tối thiểu vùng); nghỉ lễ 30/4, Quốc khánh 2/9 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người...
Theo chia sẻ của nhân viên Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, ngoài mức lương hằng tháng, các chương trình phúc lợi của công ty đối với người lao động như chúng tôi được thực hiện rất tốt và thỏa đáng. Điều này giúp chúng tôi yên tâm làm việc gắn bó lâu dài với công ty.
Hiện nay trên địa bàn TX Quảng Yên có 14 doanh nghiệp FDI đầu tư xây dựng tại các KCN trên địa bàn. Ông Tô Duy Tòng, Chủ tịch LĐLĐ TX Quảng Yên, cho biết: Toàn bộ 14 TƯLĐTT của doanh nghiệp FDI được đơn vị chức năng đánh giá cao và đạt chất lượng loại A. Các bản TƯLĐTT chú trọng vào việc hỗ trợ tiền ăn ca cao hơn so quy định; ngày nghỉ làm việc được hưởng lương thêm giờ, phụ cấp tiền ở trọ, tiền xăng xe...
Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp FDI nắm bắt tình hình, đề xuất những phúc lợi tốt hơn bổ sung vào TƯLĐTT có lợi hơn cho người lao động.
Theo đại diện, Công ty TNHH Calofic cho biết: Hiện công ty có 499 lao động sản xuất dầu ăn, chất béo. Trong TƯLĐTT được ký kết của công ty có chính sách thưởng thâm niên để ghi nhận sự cống hiến của người lao động. Đối với người lao động làm việc từ 5, 10, 15, 20 và 30 năm, công ty sẽ tặng thưởng cống hiến bằng tiền (tương ứng mỗi năm 1 triệu đồng).
Ngoài ra, Công ty TNHH Calofic còn hỗ trợ chế độ phúc lợi như chi phí gửi trẻ cho người lao động khi sinh con (2 triệu đồng/người). Số tiền hỗ trợ được chi trả vào kỳ trả lương khi con của người lao động đủ 7 tháng tuổi. Công ty còn hỗ trợ học bổng cho con của người lao động đạt thành tích xuất sắc trong mỗi năm học; mức hỗ trợ 1-10 triệu đồng/người theo thành tích đạt được...
Những quy định được xây dựng trong TƯLĐTT của Công ty TNHH Calofic đúng quy định của pháp luật lao động; các chính sách hỗ trợ phúc lợi trong thỏa ước đã được các cấp, ngành đánh giá cao. Hiện nay LĐLĐ Quảng Ninh đã tiếp nhận quản lý trên 600 bản TƯLĐTT của các đơn vị, doanh nghiệp, chiếm 54% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.
Theo quy định, TƯLĐTT có thời hạn 1-3 năm tuỳ thỏa thuận giữa đại diện người lao động là tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động, sau đó xem xét bổ sung điều chỉnh gia hạn. Qua đánh giá của LĐLĐ tỉnh, hầu hết các bản TƯLĐTT của doanh nghiệp FDI trên địa bàn đều thực hiện quy củ và đúng luật. Mặc dù những điều khoản có lợi cho người lao động vẫn còn chưa nhiều, song các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc. Tỷ lệ TƯLĐTT loại A của khối doanh nghiệp FDI đạt khoảng 75% trong toàn tỉnh.
Xây dựng, thực hiện tốt thỏa ước
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh: Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn, thúc đẩy nâng cao trách nhiệm các bên trong thực hiện quy định của pháp luật; hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, đình công, lãn công tại các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động.
Công ty TNHH Competition Team Technology Việt Nam cho biết, hiện công ty có 800 lao động, chuyên sản xuất modem màn hình LCD- OLED và ti vi. Mặc dù mới thành lập được hơn 1 năm, nhưng Công đoàn Công ty đã xây dựng bản TƯLĐTT hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện của Công ty.
Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Trên cơ sở lấy ý kiến của NLĐ Công ty, Công đoàn và lãnh đạo Công ty đã thực hiện thương lượng, ký kết các nội dung về chế độ ăn ca, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương, thưởng... đưa vào TƯLĐTT. Các nội dung xây dựng trong TƯLĐTT của Công ty đến nay được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Công ty TNHH Giày dép Bách Năng Quảng Ninh hiện có gần 2.000 lao động, chuyên sản xuất giày, dép xuất khẩu. TƯLĐTT được ký kết giữa tập thể NLĐ do Công đoàn Công ty làm đại diện và đại diện người sử dụng lao động, đã mang lại quyền lợi cho NLĐ cao hơn quy định của luật.
Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Đỗ Thị Kim Thoa: TƯLĐTT của Công ty được ký mới tháng 10/2021, có thời hạn 2 năm, tới tháng 10/2023. Công đoàn đã thuyết phục chủ doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ, thời gian nghỉ giữa ca, chú trọng công tác ATVSLĐ... Từ đó NLĐ làm việc tốt hơn, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạn chế sản phẩm lỗi, hiệu quả sản xuất của Công ty ngày càng nâng cao.
Thực tế cho thấy TƯLĐTT làm lợi cho NLĐ, góp phần tăng năng suất lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân chính giúp nhiều doanh nghiệp phát triển ổn định, NLĐ đảm bảo cuộc sống yên tâm gắn bó lâu dài.
Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 824 bản TƯLĐTT; trong đó có 732 TƯLĐTT ở các đơn vị, doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc LĐLĐ tỉnh, 4 TƯLĐTT nhóm thuộc ngành dịch vụ - du lịch, ngành giáo dục, ngành xây dựng và ngành giao thông vận tải...
Ông Đỗ Cao Thượng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc đẩy mạnh việc thương lượng, ký kết, tổ chức thực hiện TƯLĐTT. Đồng thời, phân loại, chấm điểm đánh giá, nhằm từng bước nâng cao chất lượng TƯLĐTT, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp.
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, nhằm nâng cao kỹ năng thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Căn cứ kế hoạch năm, LĐLĐ tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ CĐCS trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT. LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở thường xuyên cập nhật, tham khảo các bản TƯLĐTT có nội dung mới, hiệu quả cao để hướng dẫn CĐCS sửa đổi, bổ sung ký kết TƯLĐTT mới với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ.
LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý KKT tỉnh tiếp tục triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐCS tại các doanh nghiệp có đông lao động, doanh nghiệp FDI để đảm bảo thực hiện pháp luật lao động, trong đó có xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Việc xây dựng và thực hiện tốt TƯLĐTT là nhiệm vụ cốt lõi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tham gia với Tổng LĐLĐ Việt Nam về đánh giá chất lượng TƯLĐTT phù hợp với tình hình thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền cho NLĐ và người sử dụng lao động các quy định liên quan đến thực hiện TƯLĐTT; trang bị cho cán bộ CĐCS các kỹ năng thương lượng, đàm phán, ký kết TƯLĐTT.
Có thể bạn quan tâm