Một động thái mới cho thấy Mỹ đang siết chặt dòng xe nhập khẩu có thành phần Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các cường quốc kinh tế.
Vào ngày 14/2 vừa qua, các cơ quan hải quan Mỹ đã tạm giữ hàng nghìn ô tô từ châu Âu vì có một số thành phần linh kiện từ Trung Quốc vi phạm một luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ. Theo đó, tờ Financial Times đưa tin, hàng nghìn chiếc ô tô hạng sang của VW với các thương hiệu như Porsche, Bentley và Audi đã bị thu giữ vì có một phần liên quan đến cáo buộc cưỡng bức lao động ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
>>Chính sách kinh tế Mỹ sẽ ra sao nếu ông Biden tái đắc cử?
Mỹ đã thông qua Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) vào tháng 7/2021. Đạo luật này cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương (Trung Quốc), do lo ngại các hàng hóa đó được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ lý do “lao động cưỡng bức” ảnh hưởng như thế nào đến các hành động của hải quan Hoa Kỳ. Chuyên gia Yan Liang từ Đại học Willamette (Mỹ) cho biết trước đây các tuyên bố về lao động cưỡng bức thường áp dụng cho những mặt hàng ít giá trị gia tăng hơn, chẳng hạn như quần áo.
Theo các chuyên gia, động thái mới dường như là một bước tiến mới của Mỹ nhằm hạn chế ngành xe điện của Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết hành động mới đây của Hải quan Hoa Kỳ theo sau các khoản trợ cấp đối với xe điện (EV) được sản xuất trong nước, đồng thời có thể báo trước các biện pháp cứng rắn hơn trong tương lai.
Bà Alicia Garcia-Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết “con số này sẽ chỉ tăng lên, cả ở Châu Âu và Mỹ…”
Liên minh châu Âu, thị trường xuất khẩu xe điện lớn nhất của Trung Quốc, năm ngoái đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp – một động thái được cho sẽ gây căng thẳng thêm mối quan hệ thương mại giữa hai bên. “Đây mới chỉ là khởi đầu và nó sẽ ảnh hưởng đến ô tô Trung Quốc cũng như các ngành công nghệ xanh khác”, bà Alicia Garcia-Herrero nói.
Các nhà phân tích từ Trung Quốc nhận định, các quan chức Mỹ và châu Âu đang nhắm tới ngành xe điện nước này để bảo vệ ngành ô tô trong nước. Trước đó, các quan chức hàng đầu của Bắc Kinh đã gọi những động thái của Liên minh châu Âu nhằm điều tra các khoản trợ cấp xe điện là “chủ nghĩa bảo hộ tuyệt đối”.
Zha Daojiong, Giáo sư nghiên cứu quốc tế của Đại học Bắc Kinh, cho biết : “Toàn bộ lý do đằng sau luật lao động cưỡng bức của Hoa Kỳ hoàn toàn mang tính chính trị… Thay vì góp phần tích cực vào việc cải thiện điều kiện lao động, họ buộc tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải phản ứng trước những cáo buộc hầu như không liên quan đến sản phẩm cụ thể đang được giao dịch”.
>>Khai phá tiềm năng thị trường Mỹ
Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông, cho rằng các quan chức Mỹ và châu Âu có lẽ đang phối hợp để chống lại việc nhập khẩu ô tô của Trung Quốc. Ông nói: “Không thể là ngẫu nhiên khi cả EU và Mỹ hiện nay đều rất chú ý đến ô tô xuất xứ từ Trung Quốc”.
Ở Mỹ, xe điện Trung Quốc chịu mức thuế nhập khẩu cao, lên đến 27,5%. Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp dụng các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc pin và linh kiện, cũng như điểm lắp ráp cuối cùng ở Bắc Mỹ, để xe có thể hưởng ưu đãi.
Tại châu Âu, mặc dù mức thuế nhập khẩu thấp hơn, chỉ ở mức 10%, nhưng EU đang ngày càng lo ngại sự gia tăng mạnh mẽ của xe điện Trung Quốc trên thị trường, vốn có giá rẻ nhờ sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất pin.
Năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã chỉ trích xe điện giá rẻ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường. Theo đó, EU đã tiến hành điều tra ngành công nghiệp Trung Quốc – một động thái có thể dẫn đến việc tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Harvard Business Review, xuất khẩu xe điện của Trung Quốc chiếm 35% tổng sản lượng thế giới vào năm 2022. Báo cáo của công ty tư vấn Automobileity có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết sản lượng xe sử dụng năng lượng mới ở Trung Quốc đã tăng 7,5 triệu chiếc lên 8,3 triệu chiếc từ năm 2017 đến năm 2023, trong khi xuất khẩu tăng 3,8 triệu chiếc lên 4,9 triệu chiếc trong tháng trước.
Có thể bạn quan tâm
Xe điện Trung Quốc gặp "cơn gió ngược"
03:00, 04/02/2024
Lần đầu Trung Quốc vươn tới "đỉnh cao" xe điện
04:00, 06/01/2024
Xe điện Trung Quốc trước nguy cơ vỡ “bong bóng”
04:30, 09/11/2023
Phương Tây sẽ "ra tay" với pin xe điện Trung Quốc?
04:00, 01/11/2023
Trung Quốc có "ngại" đối đầu với EU về xe điện?
04:00, 06/10/2023