Những con đường ven biển kết nối các tỉnh, thành miền Trung đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho từng địa phương và liên kết vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ông Hồ Quốc Dũng vừa ký tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư “xin” hỗ trợ kinh phí 7.593 tỷ đồng để thi công đường ven biển.
Theo Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010, đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định có chiều dài khoảng 117,96 km, được chia thành các đoạn tuyến để đầu tư theo từng giai đoạn.
Đường ven biển đi qua tỉnh này được quy hoạch chủ yếu đi trùng đường ĐT 639 cũ, một số đoạn tuyến xây dựng mới hoàn toàn, có đoạn cuối giáp tỉnh Phú Yên trùng với Quốc lộ 1D.
Tuy nhiên, trên đường hiện trạng chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp VI, kết cấu mặt đường cũ, nền đường hẹp không đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, một số đoạn giao thông chia cắt, không có sự kết nối thông thương giữa các vùng. Đặc biệt, vào mùa lũ lụt bị ngập ứng gây ách tắc giao thông, không đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân khi bão lũ xảy ra.
Do vậy, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, việc đầu tư xây dựng đường ven biển là cần thiết, cấp bách.
4 đoạn tuyến (Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, Lại Giang - Thiện Chánh và đoạn đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân) đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần, kết hợp với ngân sách tỉnh triển khai đầu tư.
5 đoạn tuyến còn lại (quốc lộ 1D – quốc lộ 19, Diêm Vân - Gò Bồi, Cát Tiến - Gò Bồi, Mỹ Thành - Lại Giang và Thiện Chánh - Tam Quan) đang được tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để đề xuất Trung ương hỗ trợ từ vốn ngân sách Trung ương, vốn đầu tư nước ngoài và ngân sách tỉnh.
Hiện nay, Bình Định đã bố trí vốn để triển khai 4 đoạn tuyến là 921 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương 237 tỷ đồng và ngân sách Trung ương hỗ trợ 684 tỷ đồng).
UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hoặc vốn đầu tư nước ngoài 7.593 tỷ đồng để hoàn thiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ 4 đoạn tuyến đã triển khai thi công là 1.970 tỷ đồng và triển khai xây dựng 5 đoạn tuyến còn lại là 5.623 tỷ đồng.
Là 1 trong 5 tỉnh thành “hạt nhân”, giúp tăng trưởng và thúc đẩy kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định đang tập trung phát triển mạnh hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch cho toàn tỉnh.
Theo Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2020 được xác định là thời gian nước rút thi công đối với dự án giao thông đường trục khu kinh tế Nhơn Hội nối dài, đường Vành đai 2, cầu Nhơn Hội nối với khu du lịch Hải Giang…
Hiện nay, Bình Định cũng đang gấp rút thi công hoàn thành tuyến đường nối từ sân bay Phù Cát đến khu kinh tế Nhơn Hội, rút ngắn khoảng cách di chuyển và góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn.
Kỳ vọng tương lai
Trên thực tế, từ khi con đường ven biển ở các tỉnh, thành miền Trung được hình thành, nhiều vùng đất ven biển cát trắng vốn khó khăn trước đây nay đã thực sự thay da đổi thịt.
Ví như tuyến đường ven biển 129 nối TP Tam Kỳ với Hội An (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng được hình thành đã tạo nên một diện mạo mới cho Quảng Nam. Nơi đây, gần một năm trước, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng đã được đưa vào khai thác, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD cũng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa vào hoạt động.
Đường ven biển tỉnh Bình Định trải dài từ xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn đi qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và điểm cuối cùng là thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn đã tạo nên sự thay da đổi thịt kỳ diệu cho những vùng đất này. Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, tự hào khẳng định các địa phương ven biển của tỉnh đã từng bước thoát khỏi khó khăn, trong đó nhiều xã có mức phát triển kinh tế vượt bậc.
Vừa qua, tỉnh Bình Định đã được trung ương đồng ý cho triển khai dự án mở rộng, nâng cấp đường ven biển từ đường cấp 6 thành đường cấp 3 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng. Một tuyến đường khác vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư là Cát Tiến - Đề Gi đã thu hút hàng loạt dự án du lịch ven biển.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, với định hướng chiến lược của quốc gia, xem kinh tế biển và du lịch biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nhân tố quyết định đến quá trình phát triển vùng, toàn vùng thì sự hình thành một tuyến đường du lịch chạy dọc ven biển, kết nối các tuyến, điểm đến, khu du lịch trong vùng với nhau là không thể thiếu.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn: Vai trò Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ
11:46, 05/11/2019
Nghệ An và hướng phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ
16:50, 21/10/2019
Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ
11:25, 18/10/2019
Quảng Nam: Đề án OCOP kéo kinh tế vùng nông thôn đứng dậy
09:36, 07/09/2019
Miền Trung - đồng bộ logistics để liên kết vùng: Thiết lập mạng lưới logistics miền Trung
04:00, 13/09/2020
Miền Trung - đồng bộ logistics để liên kết vùng: đừng “nhà ai nấy về”
06:00, 12/09/2020
ĐIỂM BÁO NGÀY 11/09: Miền Trung - đồng bộ logictics liên kết vùng
06:30, 11/09/2020