Việc đổ bộ ồ ạt của các quỹ đầu tư vào Việt Nam, nhất là với quỹ và rổ cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, đang chứng tỏ xu thế mới trong đầu tư tại thị trường Việt Nam.
VN hút mạnh các quỹ đầu tư
Theo dữ liệu của Morningstar và Investment Company Institute, sự “trỗi dậy” của các quỹ ETFs khiến quy mô tổng tài sản các quỹ ETF quản lý trên toàn cầu đã tăng mạnh với mức tăng gần 400% lên 11,4 nghìn tỷ USD trong thời gian qua. Các quỹ ETF thường được coi là phương án thay thế rẻ hơn và hiệu quả cho các quỹ đầu tư khác trong bối cảnh thị trường biến động mạnh. Với xu hướng đầu tư vào các quỹ ETF đang nở rộ trên toàn cầu trong những năm gần đây, VN không nằm ngoài xu thế này.
Số lượng các quỹ ETF tại Việt Nam, bao gồm các quỹ ETF nước ngoài và các quỹ ETF trong nước đã tăng đáng kể trong 10 năm qua. FTSE Vietnam ETF và VNM ETF là hai quỹ ETF ngoại đầu tiên đầu tư vào TTCK Việt Nam với giá trị tài sản ban đầu lần lượt là 5,1 triệu USD và 14 triệu USD.
Cho đến nay tính đến tháng 11/2020, tổng tài sản hiện tại của các quỹ này lần lượt là 273 triệu USD và 418 triệu USD. Quỹ ETF nội đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2014 là VFMVN30 với giá trị tài sản ban đầu là 9 triệu USD, và hiện đã tăng 32 lần lên 301 triệu USD tại thời điểm tháng 11/2020. Hiện tại, số lượng các quỹ ETF trong nước tại VN là 7 quỹ, với tổng giá trị tài sản đạt khoảng 480 triệu USD.
Theo UBCK Nhà nước, chỉ tính riêng trong năm 2020, đã có 5 quỹ ETF nội địa được thành lập tại Việt Nam, chiếm 70% tổng số quỹ ETF nội hiện đang hoạt động tại Việt Nam. Các quỹ ETF mới không chỉ dựa trên chỉ số vốn hóa thị trường (như VN30 hay VN100), mà còn dựa trên các chỉ số tùy chỉnh dựa trên nhu cầu thực của các quỹ đầu tư.
Quỹ Việt Nam Diamond hút cổ phiếu ngân hàng
Điển hình nhất trong số này là quỹ VNDiamond ETF. Quỹ này gồm một số cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài đáng chú ý tại Việt Nam. Đây là một phương thức đầu tư mới để nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu Việt Nam đã hết room sở hữu nước ngoài.
Mặc dù ra mắt vào ngày 20/5 với giá trị tài sản chỉ 4,5 triệu USD nhưng giá trị tài sản của VNDiamond đã tăng gấp 26 lần lên 124 triệu USD và hiện là quỹ ETF nội lớn thứ hai tại thị trường Việt Nam, chỉ sau quỹ VFMVN30 ETF.
Quỹ này đang đầu tư vào khoảng 13 mã cổ phiếu thỏa điều kiện, trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 40%, tiếp theo là đến MWG và FPT. Quỹ đạt hiệu suất tăng hơn 40% kể từ khi thành lập.
Bên cạnh VN Diamond, VFM cũng còn huy động lượng vốn lớn vào quỹ Đầu tư cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (VFMVSF). Mới đây Vietnam DC25 Ltd. (thuộc Dragon Capital) đăng ký mua 17 triệu chứng chỉ quỹ trong tháng 12. Vietnam DC25 bắt đầu rót vốn vào VFMVFS từ giữa tháng 6 khi mua mới 32,5 triệu đơn vị và liên tục tăng sở hữu lên 62,2 triệu chứng chỉ quỹ như hiện nay.
Quỹ Hanoi Investments Holdings Limited (HIHL) cũng liên tiếp giải ngân vào VFMVFS từ giữa tháng 6, hiện nắm giữ 191,5 triệu chứng chỉ quỹ. Như vậy, tổng khối lượng 2 tổ chức trên đang nắm giữ lên đến 253,7 triệu đơn vị, tương đương hơn 98% tổng chứng chỉ quỹ của VFMVSF. 2 quỹ thành viên Dragon Capital đã rót gần 2.300 tỷ đồng vào quỹ VFMVSF.
Dòng vốn đổ vào VN Diamond cũng đến từ một số quỹ đầu tư chủ động khác. Đáng chú ý như PYN Elite Fund bất ngờ đưa quỹ ETF vào top 10 danh mục với tỷ trọng 3,8% tại cuối tháng 11. Theo đó PYN Elite đang đầu tư khoảng 19,6 triệu EUR vào quỹ ETF này, tương đương 550 tỷ đồng.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê tính đến ngày 17/12, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức hút mạnh vốn ngoại của TTCK VN trong năm 2020 dù đại dịch Covid-19...
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước, trong năm 2020 giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%. Điều này cho thấy TTCK thực sự là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Ông Sơn khẳng định, trong tương lai, với sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam cũng như sự gia tăng của các dịch vụ quản lý tài sản dài hạn, tin rằng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào thị trường Việt Nam thông qua các khoản đầu tư từ các quỹ ETF. Như vậy, đây sẽ là xu hướng đầu tư mới của vốn ngoại vào thị trường VN trong những giai đoạn tới...
Có thể bạn quan tâm