Đối với hành vi sản xuất, buôn bán trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, chuyên gia cho rằng, không thể nương tay khi xử lý…
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh phía nam, những trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang y tế, bộ bảo hộ y tế, nước sát khuẩn,… phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, sau một thời gian tạm lắng xuống, tình trạng sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lại tiếp tục “nóng” trở lại, một số đối tượng đã bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của người dân, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như: bác sĩ, y tá, điều dưỡng, quân đội, công an, lực lượng làm nhiệm vụ phục vụ công tác cách ly tập trung,… để tiếp tục thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không ít các vụ việc đã bị lực phát hiện, triệt phá như ngày 6/5/2021 vừa qua, quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô tải vận chuyển 49 thùng carton chứa 122.500 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tiêu thụ.
Hay mới đây, ngày 06/8/2021 lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra đột xuất tại địa chỉ C34 khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 thùng khẩu trang y tế nhãn hiệu 3M 1860 với tổng số lượng 17.100 chiếc nghi vấn giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Sau khi phát hiện và thu giữ số khẩu trang trên, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu 3M tại Việt Nam kiểm nghiệm, làm rõ.
Không chỉ những vụ việc đã nêu, thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đã liên tục phát hiện, bắt giữ hàng chục nghìn khẩu trang y tế, găng tay, các bộ Test thử nhanh COVID-19, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Được biết, các trang thiết bị, vật tư y tế là những vật dụng không thể thiếu đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung, các nhân viên y tế, các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19; điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nói riêng, khi nguy cơ phơi nhiễm với dịch bệnh trong lực lượng này là rất cao.
Thực tế, khi các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sử dụng phải những trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sẽ trực tiếp bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe,… từ đó có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị bệnh nhân, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Như nhận định của GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức mới đây, hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế.
Vì vậy, phải kiên quyết ngăn, phát hiện, xử lý triệt để các hành vi sản xuất, buôn bán mặt hàng khẩu trang y tế nói riêng, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu nói chung phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra ở nước ta hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ Y tế - cơ quan quản lý Nhà nước đối với các mặt hàng vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất khẩu trang y tế, trang phục phòng chống dịch COVID-19. Cần kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với những doanh nghiệp được phép nhập khẩu các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các lực lượng chức năng tang cường công tác quản lý địa bàn, cá nhân, doanh nghiệp có họat động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, để có thể kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Hùng – Tổ trưởng Tổ Công tác Quản lý thị trường (Tổ 1444), nguyên Cục phó Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương) cho biết: Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, cả nước đang phải căng mình chống đại dịch COVID-19, trang thiết bị, vật tư y tế cho tuyến đầu chống dịch là rất cấp bách, nên sản phẩm cung ứng ra thị trường phải là những đồ chất lượng, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng chức năng chủ chốt. Việc đưa trang thiết bị, vật tư y tế giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ vô tình đã gây hại rất nghiêm trọng cho đội ngũ y, bác sĩ và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, ảnh hưởng chung đến công tác phòng chống dịch trên cả nước, đi ngược lại với tính thần “chống dịch như chống giặc” hiện nay.
“Việc sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, vật tư y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ trong thời gian này không chỉ lừa dối người tiêu dùng, mà còn là một tội ác đáng bị lên, không thể nương tay trong khi xử lý”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, vật tư y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, không thể chỉ xử lý hành chính, mà cần phải khởi tố, xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Có thể bạn quan tâm
Trang thiết bị bảo hộ y tế nguồn gốc không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy
11:06, 10/08/2021
Vụ bắt hơn 17.000 khẩu trang 3M: Cần nghiêm trị để… răn đe
13:00, 07/08/2021
"Sứ mệnh" của chiếc khẩu trang trong mùa dịch COVID-19
06:57, 13/05/2021
CSGT Hà Tĩnh ngăn chặn hàng nghìn khẩu trang không rõ nguồn gốc
15:09, 07/05/2021
Thu hàng chục nghìn khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ
16:29, 05/05/2021