Xuân tản mạn với Tết!

Trương Khắc Trà 11/02/2018 05:12

Ngày trước, cứ sắp tết lại thấy lòng rạo rực, cảm xúc với "nàng xuân" ắp đầy không biết đổ đi đâu cho hết. Nhưng  từ khi bén duyên với nghề "viết thuê", hễ tết là khô khan xúc cảm, bởi báo xuân phải làm từ sớm, khi xuân đất trời còn "xanh" mà xuân trong lòng phải ép "chín".

Viết cho xuân muôn lời không đủ, thiếu là thiếu hồn cốt xuân trong mỗi câu chữ, riêng xuân vốn đong đầy tất cả, bởi xuân là nơi bắt đầu khởi nguồn cho hạ, thu rồi tan hòa vào đông để sang xuân mới. Xuân phải đi với Tết, mà Tết cũng chỉ bầu bạn với xuân.

Khi hàng sầu đông buông lơi những chiếc lá cuối cùng chỉ còn lại cành trơ khúc khuỷu đứng đìu hiu đón ngọn gió đông bắc yếu ớt là tín hiệu báo mùa đông sắp tàn. Xuân dạm ngõ rồi!

Chồi lộc nứt ra trên thân cây già cỗi, sáng sớm đội hạt sương long lanh trên đỉnh đầu xiên qua bởi tia nắng mặt trời rơi tung tóe xuống đất. Lũ chim muông từ đâu kéo đến rộn ràng hát ca, đất trời như tỉnh ngủ, bừng sáng thức dậy sau giấc nồng mùa đông.

Nắng hồng, gió thoảng phối bản tình ca bên cửa sổ, mầm sống chi chít trên cành, từng bầu khí xuân luồn qua hơi thở căng phồng trên đôi má thôn nữ ưng ửng đỏ. Tết đến!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ tết trong tiếng Việt có âm Hán Việt là tiết. Quá trình biến chuyển giữa tiếttết song hành với sự hình thành chữ viết của dân tộc, ghép với Nguyên đán, có nghĩa là ngày đầu tiên trong năm Nông lịch.

Cái chữ cái nghĩa vốn rối rắm mà sang chảnh, không dễ ai lấy làm bầu bạn ngoài những nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống. Với phần còn lại đứng ngoài chữ nghĩa, tết có nghĩa là vui, có câu "vui như tết".

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay chỉ đơn giản còn gọi là Tết) là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn như "Tết Táo Quân" (23 tháng chạp âm lịch) và "Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch).

Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 nông lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên theo phong tục tập quán.

Tết thường có những điều kiêng kỵ, ví như kỵ làm vỡ chén bát, ly tách vì như thế là cả năm có nguy cơ không lành lặn; kỵ nói nặng lời, kể cả đòi nợ, trả nợ cũng phải xong trước lúc giao thừa; kỵ xông đất không hợp tuổi với gia chủ vì như thế là hãm tài; người có tang tuyệt đối không được đi đâu…

Tết là dịp để mọi người trao gửi yêu thương, gạt qua hết mọi hiềm khích ganh ghét để cùng nhau uống ly rượu đầu xuân, nói ý hay lời đẹp. Tết là lúc gác lại bộn bề mưu sinh để thấy mình còn được sống. Tết là thời khắc tình cảm gia đình ươm ủ cho ra hoa kết trái.

Tết có bánh chưng, bánh tét ăn kèm dưa món, có mâm cao cỗ đầy, bàn thờ câu đối đỏ, mâm ngũ quả xum xuê, có hoa đào hoa mai nở, cúc, huệ, hồng, ly… đua sắc trên mọi nẻo đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuân tản mạn với Tết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO