Bước vào đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc song chặng đường phía trước cũng còn không ít “chông gai”.
>>Nhận diện, giải pháp cho xuất khẩu nông sản
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 01/2022 đạt 60,29 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chính tăng cao
Trong đó, xuất khẩu đạt 30,84 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 2,3 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD tăng 11,3% (tương ứng tăng 2,98 tỷ USD). Như vậy, trong tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa tháng thặng dư 1,39 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 01/2022 đạt 41,57 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất nhập khẩu, trong tháng 01/2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 38,15 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng 01/2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (63,3%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Tiếp đến là châu Mỹ đạt 13,18 tỷ USD, tăng 15,6%; châu Âu: 7,05 tỷ USD, tăng 10,2%; châu Đại Dương: 1,26 tỷ USD, tăng 24% và châu Phi: 646 triệu USD, tăng 4,8% so với tháng 01/2021.
Trong tổng trị giá xuất khẩu 30,84 tỷ USD của tháng đầu năm 2022, điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,5 tỷ USD, giảm 26,1% so với tháng 1/2021. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 1,07 tỷ USD, giảm 8,9%; Trung Quốc: 956 triệu USD, giảm 35,5%; Hàn Quốc: 299 triệu USD, giảm 18,3%... so với cùng kỳ năm 2021.
Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu của nhóm hàng này sang Hoa Kỳ đạt 975 triệu USD, tăng 3,9%; sang thị trường Trung Quốc đạt 760 triệu USD, giảm 6,6%; sang EU (27 nước) đạt 660 triệu USD, tăng 20,2%; sang Hồng Kông đạt 420 triệu USD, giảm 5%...so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 01/2022 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đạt 3,57 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 01/2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
>>Các ngành hàng xuất khẩu truyền thống có thể được xanh hóa
Vẫn còn những “chông gai”
Mặc dù, xuất khẩu đã khởi sắc ngay từ đầu năm nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết.
Đó là yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Đặc biệt, tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp.
Đó là chưa kể đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết.
Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Lưu ý về các giải pháp đối với nhóm hàng nông sản xuất khẩu, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, trước những đòi hỏi của thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu cần thích ứng nhanh và linh hoạt để không bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng.
Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của doanh nghiệp thì chưa đủ mà cần sự hợp sức của hàng chục triệu nông dân trên cả nước trong việc thực hiện sản xuất theo quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để ngay từ những khâu đầu tiên của cả chuỗi ngành hàng đã bảo đảm về chất lượng, an toàn, có trách nhiệm với cộng đồng.
“Năm 2022, dịch Covid-19 vẫn tác động đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu cho nên các sản phẩm chế biến sâu, đóng hộp tiếp tục là xu hướng tiêu dùng phổ biến. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nên chú trọng vào phân khúc này để thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển, bảo quản hàng hóa, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm" - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) - PGS.TS Phạm Tất Thắng
Vì thế, để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường công tác phổ biến thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, giúp cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, kết nối giao thương, nhất là ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Có thể bạn quan tâm
Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
03:28, 17/02/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt bị “chặn đường” vào Mỹ
14:07, 13/02/2022
Các ngành hàng xuất khẩu truyền thống có thể được xanh hóa
04:00, 11/02/2022
Dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2022
04:00, 09/02/2022