Việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là lý do dẫn đến nhiều loại nông sản "gặp khó" khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đại diện CJ Freshway, một trong những nhà phân phối thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc từng chia sẻ, doanh nghiệp Hàn Quốc khá quan tâm đến trái cây tươi Việt Nam, nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm bảo quản bằng xử lý nhiệt chứ không chiếu xạ như một số thị trường khác.
Đau đầu vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật
Không riêng với mặt hàng hoa quả, với nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam, Hàn Quốc luôn là thị trường có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn của thị trường khó tính này lại đang làm khó sản phẩm nông sản Việt.
Cụ thể, Hàn Quốc là thị trường áp dụng các tiêu chuẩn cao về kiểm dịch động thực vật và thực phẩm nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc đã tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới.
Hệ thống Danh mục Hợp quy của Hàn Quốc bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc, trong đó có gần 140 loại thuốc hiện chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng tại Hàn Quốc.
Trong khi đó, lâu nay vẫn tồn tại một thực tế về tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật làm doanh nghiệp bối rối. Đầu năm 2017, hồ tiêu xuất khẩu sang EU, Ấn Độ có nguy cơ bị đình chỉ vì dính dư lượng Metalaxyl (hoạt chất trừ nấm). Về rau củ, hơn 221 loại thuốc trừ sâu được phát hiện có trong rau củ, trong đó gần một nửa vượt quá nồng độ tối đa cho phép hoặc bị cấm. Khoảng 10 năm qua, các nước như Úc, Mỹ, Nhật, EU đã từ chối 483 sản phẩm rau củ của Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD.
Theo tiến sĩ Hồng Minh, chuyên gia của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân các sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam thường xuyên bị trả về là do nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn sản xuất sạch như VietGAP, Global GAP.
Bởi vậy mà đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của Hàn Quốc nói riêng và các thị trường khó tính nói chung đang là bài toán làm đau đầu doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt được khuyến cáo cần đặc biệt lưu tâm về chủng loại cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong top 20 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.
Cần cơ quan hỗ trợ độc lập
Nói như ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), bất kỳ sản phẩm nông sản hàng hóa nào cũng cần phải nghiên cứu những bộ thuốc sử dụng đối với sản phẩm, làm giảm thiểu tối đa dư lượng còn tồn đọng trên sản phẩm đó. Đồng thời xem xét thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo không để lại dư lượng trên các sản phẩm.
“Chính sách của Hàn Quốc sẽ thay đổi nhận thức cho các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Khi Hàn Quốc áp dụng chính sách này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Do đó, Việt Nam phải có chương trình giám sát, đảm bảo quá trình chế biến sản phẩm đảm bảo được yêu cầu của nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc”, ông Hòa lưu ý.
Trên thực tế, không riêng với thị trường Hàn Quốc, Nhiều thị trường nhập khẩu hiện nay đang có xu hướng bảo hộ, dựng rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu đòi hỏi chính bản thân các doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận các quy định về chất lượng, VSATTP, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cần kịp thời cập nhật được cơ chế chính sách, quy trình, quy định từ phía thị trường, từ đó có thể chuẩn bị trước thấu đáo và xác đáng, không bị tác động một cách tiêu cực đối với quá trình kiểm soát thị trường và giám sát hàng hóa nông sản nhập khẩu của từng thị trường.
Tuy nhiên, từng trao đổi với DĐDN về vấn đề này, ông Đàm Quang Thắng- Tổng Giám đốc Cty Agricare Việt Nam cho biết tiếp cận các thông tin thị trường đang thiếu hụt khiến doanh nghiệp phải tự mày mò.
“Thời gian, chi phí nghiên cứu thị trường là rất lớn khi doanh nghiệp tự mày mò. Mà lẽ ra đây là việc doanh nghiệp không phải làm. Chi phí này doanh nghiệp có thể sử dụng cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cho nghiên cứu, thay đổi bao bì, phát triển sản phẩm”, ông Thắng cho biết.
Do đó, TGĐ Agricare kiến nghị cần có một cơ quan độc lập hỗ trợ doanh nghiệp về các quy định, thông tin của từng thị trường, đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp các giải pháp về việc vượt qua các hàng rào đó.