Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu năm 2023 đạt hơn 70 tỷ USD, nhưng thị phần của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ chiếm rất nhỏ.
Việt Nam chỉ đứng thứ 25 trong số các thị trường cung ứng rau củ quả vào EU, với thị phần chỉ khoảng 1%. Mặc dù vậy, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và tiềm năng tăng trưởng của thị trường EU cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu rau củ quả sang EU.
>>Xuất khẩu sang EU: Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu
Người tiêu dùng EU chủ yếu ưa chuộng các loại rau quả nhập khẩu nhiệt đới, bán nhiệt đới như chuối, bơ, cà chua, dứa, cam, đậu… Nhưng trong bối cảnh tiêu dùng xanh lên ngôi, một xu hướng mới cần chú ý là họ quan tâm và sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm hữu cơ hơn.
EU cũng là một nhà sản xuất lớn các mặt hàng rau quả chế biến, rau quả tươi và sơ chế trên thế giới. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn cản việc EU là khu vực nhập siêu rau quả lớn nhất trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với sản phẩm lạ, trái mùa.
Theo dữ liệu từ Eurostat, trong 9 tháng đầu năm 2023, EU đã nhập khẩu nhóm hàng rau quả với giá trị 70,55 tỷ Euro (tương đương 79,73 tỷ USD). Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Đối với mặt hàng rau quả tươi và sơ chế, đây là một thị trường có nhu cầu lớn và ổn định. Nhưng các nhà nhập khẩu của EU tương đối khó tính và đã thiết lập các nguồn cung lâu dài với các đối tác ổn định, chủ yếu từ Nam Mỹ, châu Phi (như Peru, Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Costa Rica, Colombia, Panama, Kenya, Guatemala…). Bởi vậy, thách thức đối với các nhà cung cấp mới như Việt Nam là không hề nhỏ nếu không có những sản phẩm thực sự chất lượng và chính sách bán hàng hấp dẫn.
Trong EU, Đức, Pháp được biết đến là những thị trường lớn, có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại trái cây tươi. Đức chiếm 25% tổng giá trị nhập khẩu rau quả tươi của EU năm 2021, chủ yếu là bơ, việt quất, quả mâm xôi, dưa hấu và khoai lang... Pháp đứng thứ 2, chiếm 13,3% tỷ trọng nhập khẩu rau tươi, chủ yếu là việt quất, mâm xôi, dưa hấu, chuối, khoai lang, sắn. Đây là những sản phẩm có mức tăng trưởng đáng kể về sản lượng.
Dù vậy, thị trường rau quả chế biến cũng có nhiều cơ hội khi EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 40% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của thế giới năm 2021, với giá trị nhập khẩu là 25 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trung bình nhập khẩu rau quả chế biến của EU trong 05 năm từ 2017-2021 là khoảng 3,8%.
Thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu đa dạng các sản phẩm, nhiều nhất là nước ép rau quả, tiếp đến là rau quả đóng hộp, rau quả đông lạnh và cuối cùng là rau quả sấy khô và các loại mứt. Phần lớn đối tác mà các nước EU nhập khẩu là trong nội khối, cùng với các nguồn cung ngoài EU như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, hay Trung Quốc.
>>Thỏa thuận triệu đô đe dọa chiến lược tỷ đô của EU
Thị trường nguyên liệu rau quả ở EU đang có sự tăng trưởng nhờ việc sử dụng ngày càng nhiều các thành phần tự nhiên và hữu cơ trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sở thích của người tiêu dùng đối với các sản phẩm mang lại lợi ích cho sức khỏe, có hương vị tự nhiên. Bởi vậy, các nhà xuất khẩu muốn thâm nhập thị trường EU phải xác định những điều kiện cần có, bao gồm cả bắt buộc và không bắt buộc.
Rau và quả tươi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ nhiều quy định bắt buộc liên quan đến an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Điều này bao gồm việc tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL), với một danh sách cụ thể về các loại thuốc được phép và mức dư lượng tối đa cho phép. Đối với các loại thuốc không nằm trong danh sách, mức MRL được áp dụng rất thấp, chỉ 0,01mg/kg.
Ngoài ra, EU cũng đặt ra giới hạn đối với một số tạp chất trong thực phẩm như chì và cadmium, cũng như các yêu cầu về vi sinh vật, đảm bảo các sản phẩm không bị nhiễm khuẩn như Salmonella và E. coli trong suốt thời hạn sử dụng của sản phẩm. Hầu hết rau quả tươi nhập khẩu cần phải được kiểm dịch thực vật và có giấy chứng nhận kiểm dịch từ Cơ quan Bảo vệ Thực vật Quốc gia của nước xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của EU.
Bên cạnh các yêu cầu bắt buộc, nhà nhập khẩu EU còn có thể yêu cầu các loại chứng nhận an toàn thêm như GlobalGAP, các tiêu chuẩn được GFSI công nhận như IFS, SQF, FSSC 22000, và các giấy tờ chứng nhận nhà sản xuất đáp ứng các chuẩn về trách nhiệm xã hội. Các sản phẩm thân thiện với môi trường và có đóng góp cho xã hội thường được người tiêu dùng EU đánh giá cao.
Để tiếp cận thị trường màu mỡ này, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần sẵn sàng cho một môi trường pháp lý khắt khe và phức tạp, đặc biệt là liên quan đến an toàn, chất lượng và sức khỏe thực vật. Vậy nhưng, một khi đã được thị trường EU chấp nhận, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thêm nhiều cơ hội ở thị trường khó tính này.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu sang Mỹ: Những khoản phí tổn khó tránh
04:00, 01/03/2024
Xuất khẩu sang Mỹ: Tiềm năng thị trường ngách
04:20, 27/02/2024
Xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc gặp khó
03:30, 24/02/2024
Xuất khẩu sang Mỹ: Sức hấp dẫn khó cưỡng
04:20, 23/02/2024
Xuất khẩu sang Mỹ: Những lưu ý với các doanh nghiệp
04:20, 20/02/2024