Nghiên cứu - Trao đổi

Cần sớm có hành lang pháp lý cho xây dựng thương hiệu nông sản

Gia Nguyễn 22/01/2025 04:30

Để có thể giải quyết được vấn đề cấp bách liên quan đến xây dựng thương hiệu cho nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có hành lang pháp lý…

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.

xay-dung-thuong-hieu-cho-nong-san-21.1.2.jpg
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đạt nhãn hiệu nông sản quốc gia giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc, là cơ sở để phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản.

Đảm bảo thị trường minh bạch, lành mạnh; tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quy định quy trình để áp dụng trong quản lý, vận hành các nhãn hiệu ngành hàng nông sản đã được đăng ký bảo hộ; là cơ sở pháp lý để đưa ra bộ tiêu chí cho các doanh nghiệp, sản phẩm được sử dụng (mang) nhãn hiệu ngành hàng nông sản. Tăng cường công tác tư vấn, đào tạo, hợp tác quốc tế về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, nhất là đăng ký bảo hộ tại các thị trường quốc tế; quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.

xay-dung-thuong-hieu-cho-nong-san-21.1.1.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết, nhất là khi yêu cầu về xây dựng thương hiệu cho nông sản đã và đang trở nên cấp bách hơn bao giờ - Ảnh minh họa: ITN

Về định hướng xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 4 chính sách bao gồm: Chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; Chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; Chính sách hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết, bởi xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt đã và đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách, nếu không có hành lang pháp lý, khó có thể sớm thúc đẩy hoạt động này.

Thực tế cho thấy, mặc dù mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” trong những năm qua, đem lại nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước, thế nhưng nông sản Việt vẫn bị thua thiệt trên thị trường quốc tế.

Thống kê cho thấy, trong năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 9,5 tỷ USD so với năm trước. Xuất siêu ngành nông nghiệp cũng đạt 18,6 tỷ USD, gấp nhiều lần mức 6,5 - 12,2 tỷ USD của giai đoạn 2015 - 2023.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm khoảng 50 tỷ USD, trong đó rau quả đóng vai trò xuất khẩu chủ lực. Rau quả Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… thế nhưng, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác…

Chẳng hạn như, dù được mệnh danh là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này của Việt Nam còn khá mờ nhạt… sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu nên chưa được người tiêu dùng nước ngoài biết nhiều mà phải thông qua các doanh nghiệp trung gian nước ngoài hoặc gia công chế biến cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Hay nhiều loại nông sản tiêu biểu, chất lượng rất cao ở trong nước như gạo ST25, dừa, xoài, thanh long… nhưng khi xuất ngoại chủ yếu với dạng thô, chưa được quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu. Việc thiếu các tổ chức ngành hàng dẫn dắt khiến nông sản Việt Nam khó định vị được thương hiệu, định giá mỗi khi thâm nhập thị trường nước ngoài.

Theo chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ.

Liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để bảo đảm sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Song song với đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, chúng ta mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… qua các hiệp định thương mại được ký kết và có hiệu lực. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều loại nông sản, nhưng phải chọn lựa cho được sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá và có chiến lược tiếp thị bài bản. Vì vậy, hành lang pháp lý cho xây dựng thương hiệu nông sản cũng trở nên vô cùng cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần sớm có hành lang pháp lý cho xây dựng thương hiệu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO