“XUẤT KHẨU TẠI CHỖ” BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH (KỲ II): Kinh nghiệm từ láng giềng

Đoàn Văn Bình - Chủ tịch CEO Group 27/06/2020 17:00

Một số nước tại châu Á đã trải qua những thay đổi đáng kể từ khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản du lịch.

sdgdg

Bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch trong nước, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài tới Việt Nam

Trên thế giới, bất động sản du lịch với tư cách là “ngôi nhà thứ hai” là loại hình đã phát triển khá mạnh. Nếu như trong giai đoạn đầu, bất động sản du lịch được coi là dòng sản phẩm dành riêng cho giới nhà giàu, quý tộc thượng lưu sở hữu với mục đích nghỉ dưỡng thì từ đầu những năm 2000 đến nay với sự phát triển của công nghệ, hàng không và cơ sở hạ tầng, bất động sản du lịch được phát triển đa dạng, với nhiều mức giá, tiếp cận với nhiều nhóm khách hàng hơn, không chỉ dành cho nghỉ dưỡng mà còn là hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. 

Chính sách sở hữu bất động sản theo hướng mở, thông thoáng đã giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều nước tăng trưởng mạnh và ổn định. Một số nước tại châu Á đã trải qua những thay đổi đáng kể từ khi áp dụng các chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, góp phần vào sự gia tăng của thị trường bất động sản và toàn bộ nền kinh tế.

Những nước và vùng lãnh thổ có chính sách rộng mở đối với việc cho phép người nước ngoài mua bất động sản như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hong Kong… cũng là những nước có thị trường bất động sản lớn mạnh và bền vững. Có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước sau:

Tại Singapore, người nước ngoài được mua hầu hết các sản phẩm bất động sản là nhà ở, bất động sản không phải là nhà ở (bất động sản du lịch, văn phòng...). Chính phủ Singapore chỉ không cho người nước ngoài mua nhà xã hội và một số sản phẩm đặc thù hữu hạn khác. Đặc biệt, Singapore cho người nước ngoài mua biệt thự gắn liền với đất ở tại khu Sentosa Cove với thời hạn sở hữu ngắn hạn.

Malaysia là một trong những nước có quy định rộng mở nhất trong khu vực về vấn đề người nước ngoài mua bất động sản. Bất kỳ người nước ngoài nào cũng có thể mua số lượng bất kỳ bất động sản ở Malaysia, theo giá tối thiểu áp dụng cho người nước ngoài tại mỗi bang. Ở hầu hết các bang, giá này khởi điểm là RM500,000 mỗi đơn vị bất động sản, từ ngày 1/3/2014.

Với chương trình Malaysia My Second Home (MM2H) - một chương trình định cư quốc tế, Malaysia cho phép người nước ngoài cùng gia đình (vợ hoặc chồng và con dưới 21 tuổi chưa kết hôn) sống tại đây với visa lên tới 10 năm (có thể dược gia hạn) khi họ đáp ứng các điều kiện về khả năng tài chính, thu nhập theo quy định và mua nhà tại Malaysia.

Chính sách MM2H đã tạo sức hút lớn, thu hút 42.271 người nước ngoài mua nhà tại Malaysia trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2018. Tương tự, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland cũng đã công bố về kế hoạch cấp cho người nước ngoài giấy phép cư trú dài hạn nếu mua bất động sản với mức giá khởi điểm theo quy định.

Tại Nhật Bản, bất cứ cá nhân quốc tịch nước ngoài nào đều có thể mua hợp pháp bất động sản mà không bị hạn chế gì. Nhật Bản không có bất kỳ yêu cầu nào về tình trạng thường trú đối với người nước ngoài mua bất động sản, việc chuyển nhượng quyền sở hữu cũng rất đơn giản. Một số ngân hàng Nhật Bản cho vay đối với cư dân nước ngoài thường trú tại đây.

Người nước ngoài rất có thể được ngân hàng đồng ý cho vay tiền mua bất động sản nếu họ thường trú hoặc kết hôn với một công dân Nhật Bản. Một số ngân hàng cũng cho người nước ngoài vay nếu người đó có kinh nghiệm làm việc lâu dài tại Nhật Bản hoặc nếu vợ/chồng của họ có visa thường trú. Những chính sách thông thoáng về sở hữu bất động sản đã giúp Nhật Bản thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nhân nước ngoài làm việc tại Nhật Bản tham gia vào thị trường.

Gần với Việt Nam, phạm vi, điều kiện sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Thái Lan có chặt chẽ hơn nhưng tinh thần chung là thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện cho người nước ngoài mua bất động sản. Theo quy định, người nước ngoài không được sở hữu đất đai ở Thái Lan. Nếu quan tâm đến việc mua, một nhà đầu tư nước ngoài có hai lựa chọn: thuê với thời hạn 30 năm hoặc mua bất động sản thông qua việc thành lập một Công ty TNHH tại Thái Lan mà người nước ngoài không sở hữu quá 49% tổng số vốn góp.

Do những hạn chế theo luật định như vậy, hầu hết người nước ngoài lựa chọn mua căn hộ chung cư ở Thái Lan. Tuy nhiên, diện tích căn hộ mà người nước ngoài sở hữu trong một tòa nhà cũng bị hạn chế (không vượt quá 49% tổng diện tích của tòa nhà). Việc bán lại bất động sản của ngưới nước ngoài không bị hạn chế, họ có thể bán cho bất kỳ ai là người Thái Lan hoặc người nước ngoài khác.

Nếu mua sản phẩm chưa hình thành, người nước ngoài được phép chuyển nhượng một lần cho người mua khác trước khi dự án hoàn thành; với một số chi phí hành chính nhỏ phải trả cho Chủ đầu tư. Từ năm 2016, làn sóng đầu tư bất động sản tại Thái Lan để “an hưởng tuổi già” bắt đầu nổi lên mạnh mẽ sau khi Chính phủ Thái Lan đưa ra loại “visa nghỉ hưu” dành cho người nước ngoài trên 50 tuổi.

Theo chính sách này, nếu đáp ứng điều kiện bắt buộc là người nước ngoài ở độ tuổi 50 trở lên, không có tiền sử phạm tội, có khoản tiền gửi vào ngân hàng trên 100.000 bahts (2.809USD) hoặc có ký quỹ ngân hàng ít nhất 3 triệu bahts (84.034USD) (và khoản tiền này phải được duy trì tối thiểu sau 1 năm nhận visa), người nước ngoài có quyền sở hữu nhà tại nước này, chủ yếu là các điểm du lịch nổi tiếng như Phuket, Hua Hin hay Pattaya để nghỉ ngơi.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước, có thể tổng hợp 02 điểm nổi bật liên quan tới việc thu hút người nước ngoài mua bất động sản du lịch, đó là: chính sách thông thoáng về điều kiện sở hữu bất động sản (chủ yếu giới hạn ở loại hình bất động sản mà người nước ngoài được sở hữu theo hướng người nước ngoài không được mua bất động sản liên quan đến quốc phòng, an sinh xã hội) và chính sách cởi mở về lưu trú, cho phép người nước ngoài mua nhà ở mức giá nhất định hoặc có khoản tiền gửi ngân hàng, tiền ký quỹ ở mức nhất định có thể lưu trú dài hạn hoặc có thời hạn tại nước sở tại.

Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học tập để vừa tạo động lực mới cho thị trường bất động sản Việt Nam, vừa thể hiện tinh thần cởi mở, hội nhập. 

Có thể bạn quan tâm

  • “XUẤT KHẨU TẠI CHỖ” BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH: Giải pháp hút nhà đầu tư nước ngoài

    “XUẤT KHẨU TẠI CHỖ” BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH: Giải pháp hút nhà đầu tư nước ngoài

    10:00, 27/06/2020

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 26/06/2020:

    ĐIỂM BÁO NGÀY 26/06/2020: "Xuất khẩu tại chỗ" bất động sản du lịch?

    05:24, 26/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“XUẤT KHẨU TẠI CHỖ” BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH (KỲ II): Kinh nghiệm từ láng giềng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO