Ngay trong tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng mạnh, khi tiêu dùng tại nhiều thị trường chính như Mỹ, châu Âu đã có những tín hiệu tốt dần, tạo cú hích cho xuất khẩu.
>>>Doanh nghiệp ngành gỗ chủ động nâng cao giá trị gia tăng
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022. Tuy nhiên, 2023 là năm đầu tiên mặt hàng gỗ của Việt Nam đứng top 5 trên thế giới. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 7,31 tỷ USD, giảm 15,6% và chiếm 54% trong tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Trải qua năm 2023 với nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU suy yếu, cùng với chi phí nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh toàn ngành gỗ. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng, khi ngay trong tháng đầu năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), kế hoạch năm 2024, ngành sẽ đem về 16 tỷ USD xuất khẩu gỗ, tăng 20% so với năm 2023. Con số này đang được kỳ vọng đạt được khi đến nay đã có những doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu phục hồi 90%.
Ông Khanh cho biết, có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 5/2024. Tuy nhiên, những yêu cầu từ khách hàng ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, trong tháng 1/2024, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ của Việt Nam.
Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu trong tháng đầu năm 2024 đã nổi lên “điểm sáng", đó là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hà Lan tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hà Lan ước đạt 9,2 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng 12/2023 và tăng tới 93,8% so với tháng 1/2023.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture, một doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nội thất từ gỗ tại Bình Dương đánh giá, trong những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn so với năm 2023, khi giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đều có sự cải thiện. Riêng S Furniture, trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Ông Vạn cho biết, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều đã có sự phục hồi, đặc biệt là thị trường Mỹ đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh hơn so với các thị trường khác.
“Ngành gỗ trong năm 2024 đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi trong thời gian qua, lượng tồn kho của các nhà mua hàng không còn nhiều. Do đó, các doanh nghiệp có cơ hội với nhiều khách hàng mới, với những mẫu mã mới”, ông Huỳnh Thanh Vạn đánh giá.
Một tín hiệu vui nữa, theo ông Vạn là ngành gỗ Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã được rất nhiều nước quan tâm và đặt hàng trở lại. Do đó, chúng ta cần phải giữ nhịp và phát triển thêm nhiều thị trường mới. Chẳng hạn như thị trường Trung Đông cũng là một thị trường tiềm năng đối với ngành gỗ của Việt Nam. Ngoài mặt hàng gỗ, thị trường này cũng ưa chuộng mặt hàng sofa cao cấp. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất của Việt Nam. Hay như Ấn Độ cũng là một thị trường lớn mà các doanh nghiệp Việt cần quan tâm phát triển.
Mặc dù vậy, ông Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, đây mới chỉ là những tín hiệu khởi sắc bước đầu, tình hình chung cho cả năm 2024 vẫn chưa thể có những tăng trưởng vượt bậc. Bởi chiến tranh vẫn đang diễn biết rất phức tạp; lãi suất của Mỹ vẫn còn cao, tạo áp lực lớn lên các nhà mua hàng và thị trường bất động sản của nhiều nước trên thế giới vẫn chưa hồi phục.
“Phải đến năm 2025, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, tình hình kinh tế của các nước phục hồi và ổn định thì sự khởi sắc của ngành mới rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hơn khi đã có thể sản xuất được những sản phẩm nội thất có giá trị cao không thua kém gì các nước khác”, ông Huỳnh Thanh Vạn nhận định.
Liên quan đến tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, ông Huỳnh Thanh Vạn cho rằng, tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ thời gian qua chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều, bởi ngành gỗ của Việt Nam hiện đang xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới, hơn nữa, cũng chỉ khoảng 10% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đi qua khu vực này.
Cũng theo ông Vạn, về đơn hàng và thời gian giao hàng cũng được khách hàng thay đổi rất nhiều so với trước dịch COVID-19. Nếu như trước đây, khách hàng thường đặt hàng từ 6 tháng đến 1 năm thì hiện nay, thời gian rút ngắn lại chỉ còn từ 3-4 tháng đối với các tập đoàn lớn, và từ 1-2 tháng đối với các doanh nghiệp nhỏ.
“Việc khách hàng rút ngắn thời gian đặt hàng và giao hàng nhằm tránh những rủi ro khi có những biến động về giá cả cũng như chi phí vận chuyển. Điều này sẽ có lợi cho cả khách hàng lẫn các doanh nghiệp sản xuất”, ông Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp ngành gỗ chủ động nâng cao giá trị gia tăng
01:30, 11/03/2024
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành gốm sứ
02:00, 07/03/2024
Cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may
12:24, 26/02/2024
Phát triển thị trường carbon cho ngành gỗ
03:00, 11/01/2024
Triển vọng ngành gỗ năm 2024: Vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn
04:20, 31/12/2023