Chuyên đề

Xuất khẩu tích cực nửa đầu năm, khả năng tăng lãi suất là rất nhỏ

Brian Lee Shun Rong & Chua Hak Bin - Kinh tế gia, Maybank Group 10/02/2025 04:06

Nửa đầu năm 2025, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi tăng xuất khẩu bất chấp tin tức các thuế quan; và NHNN sẽ giữ lãi suất điều hành trong bối cảnh tỷ giá có áp lực.

Trong tháng 1/2025, do kỳ nghỉ Tết có sai lệch thời gian so với cùng kỳ năm trước, chúng ta chứng kiến ​​mô hình sản xuất và xuất khẩu nhẹ nhàng hơn theo mùa vụ, cùng với sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng và lạm phát.

tien te
Kinh tế Việt Nam khởi đầu tháng 1 có nhiều điểm tích cực, với dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm. Điều này, cộng hưởng vốn FDI nhảy vọt, giúp giảm áp lực cho tỷ giá. Ảnh minh họa: ITN

Xuất khẩu sẽ mạnh mẽ hơn dự đoán

Trong đó, một số điểm nổi bật về kinh tế gồm: Thặng dư thương mại đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng, đạt 3,02 tỷ USD trong tháng 1. Xuất khẩu giảm -4,3% so với một năm trước (so với +12,8% trong tháng 12), đồng thời giảm -6,6% theo tháng. Nhập khẩu giảm -2,6% (so với +19,2% trong tháng 12), trong khi tuần tự giảm -15,7%. Sự sụt giảm xuất khẩu chủ yếu diễn ra trên diện rộng do số ngày làm việc thấp hơn so với hai năm trước. Tuy nhiên, phục hồi xuất khẩu vẫn đang tiếp tục duy trì với xuất khẩu máy tính và điện tử chứng kiến ​​mức tăng trưởng hai con số, cùng với đó là tăng trưởng nhẹ nhàng hơn của dệt may, thủy sản.

Điện thoại và linh kiện tiếp tục giảm ở mức hai con số. Chính sách của Ấn Độ có thể tăng cạnh tranh thu hút đầu tư và nhu cầu lượng đơn hàng nhiều hơn đối với Samsung có thể đáp ứng từ đây.

Điều đáng chú ý nhất là cấu phần các thị trường xuất khẩu. Trung Quốc là điểm đến chính duy nhất của Việt Nam có mức tăng trưởng vững chắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng +25,2% (so với +9,4% trong tháng 12), trong khi xuất khẩu sang Mỹ (-2,1%), EU (-12,6%) và ASEAN (-14%) đều giảm. Trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có hiện tượng đổ xô xuất hàng sang Mỹ trước dự kiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump, và điều này có thể đã thúc đẩy nhu cầu đối với các bộ phận lắp ráp và linh kiện của Việt Nam. Với mức thuế toàn diện 10% đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4 tháng 2, các doanh nghiệp Trung Quốc với năng lực hiện có có thể tăng cường sản xuất tại các nhà máy của họ ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng tới.

Cập nhật mới nhất, các công ty Việt Nam đang nín thở trước mức thuế tiềm năng của Tổng thống Trump. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer đã có thông điệp vào ngày 6 tháng 2, lưu ý rằng thâm hụt thương mại song phương đang “ngày càng tăng với một số nước, trong đó có Việt Nam, có rào cản thuế quan và phi thuế quan cao”.

Thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tăng +18% vào năm 2024 lên mức kỷ lục 123,5 tỷ USD. Ông Greer gợi ý rằng các hoạt động thương mại cần được đánh giá thêm và sẵn sàng đón nhận đàm phán, cũng như nói rằng ông sẽ “giải thích cho các nước rằng nếu họ muốn được tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ, chúng ta cần có sự tương hỗ tốt hơn”.

Trước đó, trong tháng 11/2024, Việt Nam tuyên bố sẽ mua thêm máy bay, LNG, thiết bị an ninh và chip của Mỹ. Điều này giúp giảm thâm hụt thương mại song phương với Mỹ.

Chúng tôi nhận định, trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc tăng cường sản xuất bởi các công ty Trung Quốc cùng với việc dự phòng nhập trước từ các nhà nhập khẩu Mỹ, khi họ xây dựng hàng tồn kho để phòng ngừa mọi rủi ro về thuế quan. Do đó, kết quả xuất khẩu nửa đầu năm có thể trở nên mạnh mẽ hơn dự đoán.

Đầu tư công và FDI hỗ trợ tăng trưởng

FDI và đầu tư công cũng ghi nhận bắt đầu có sự khởi đầu đáng khích lệ trong tháng 1/2025. FDI giải ngân tăng +2% so với một năm trước lên 1,51 tỷ USD. FDI đăng ký tăng vọt +48,6% so với một năm trước vào tháng 1 lên 4,3 tỷ USD (so với -3% vào năm 2024) được củng cố bởi sản xuất (+99,1%), mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng kể từ năm 2021. FDI cam kết chủ yếu được thúc đẩy bởi vốn đăng ký đã điều chỉnh (tức là bơm vào các dự án hiện có), tăng 6,1 lần so với năm trước. Mới vốn đăng ký giảm -43,6%. Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu với mức tăng lần lượt gấp 13,4 lần và 7,6 lần.

Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể chú ý đến sức mạnh của Việt Nam, mặc dù không chắc chắn liệu Việt Nam có phải là mục tiêu thuế quan của Mỹ hay không. Quyết tâm thúc đẩy cải cách hành chính và cải cách pháp lý, sự phục hồi thương mại dù có rủi ro thuế quan có thể có đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Một chất xúc tác tích cực khác có thể là Nghị định của Quỹ hỗ trợ đầu tư (ngày 4 tháng 1) để bù đắp Thuế tối thiểu toàn cầu, cho phép hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các dự án công nghệ cao trên quy mô tối thiểu, bao gồm sản xuất chất bán dẫn/AI và R&D.

Đầu tư ngân sách nhà nước tăng +9,6% so với năm trước (4,1% kế hoạch năm). Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1 nhằm đơn giản hóa thủ tục thực hiện bằng cách áp dụng kiểm tra sau thay vì kiểm tra trước tiếp cận và tăng cường phân cấp để trao quyền cho chính quyền địa phương trong quản lý các dự án đầu tư. Chúng tôi dự đoán chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ là một động lực chính trong năm nay nhờ các dự án lớn như sân bay Long Thành, nhà ga mới tại các sân bay hiện có và nhiều đường cao tốc hơn.

Doanh số bán lẻ, chi tiêu và du lịch đều tăng trưởng tích cực trong mùa Lễ Tết. Và lạm phát cũng tăng lên với lạm phát toàn phần +3,6% trong tháng 1. Tuy nhiên, dự báo lạm phát chung của chúng tôi là 3,4% vào năm 2025.

Điều này không tạo ra áp lực lớn đối với chính sách theo mục tiêu kiềm giữ lạm phát, ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tiền tệ nới lỏng cho mục tiêu GDP cao

Chúng tôi cũng dự báo tăng trưởng GDP là 6,4% vào năm 2025 (so với 7,1% vào năm 2024). Triển vọng xuất khẩu mạnh trong nửa đầu năm cùng với sự gia tăng đầu tư công và FDI là tín hiệu tốt cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế Việt Nam năm 2025.

Cac chi tieu kinh te VN
Các chỉ tiêu kinh tế Việt Nam từ 2021 và dự phóng 2025, 2026. Theo dự báo, lãi suất cơ bản vẫn sẽ giữ 4,75%, là mức lãi suất điều hành thấp theo xu hướng nới lỏng, linh hoạt, đã được NHNN áp dụng từ 2023-nay. Nguồn dữ liệu: GSO, MIBG

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội phương án nâng cao mục tiêu tăng trưởng GDP đến năm 2025 lên 8%, tăng từ mức 6,5%-7% trước đó. Mục tiêu GDP cao, bất chấp rủi ro về những trở ngại thương mại, cho thấy Chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước, dù thông qua tiêu dùng, đẩy nhanh đầu tư công hoặc đơn giản hóa các quy định.

Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ không tránh khỏi suy thoái thương mại toàn cầu nếu chiến tranh thương mại của ông Trump leo thang do vai trò sâu sắc của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, vẫn còn sự không chắc chắn về việc liệu Việt Nam có phải là mục tiêu bị áp thuế của Mỹ hay không, với tác động khá lớn khi Mỹ chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, trường hợp cơ bản, theo chúng tôi, sẽ là cách tiếp cận theo từng giai đoạn đối với việc tăng thuế của Hoa Kỳ nhằm giảm thiểu sự gia tăng chi phí sinh hoạt và tạo đòn bẩy cho việc đàm phán. ASEAN, trong đó có Việt Nam khó có thể trở thành mục tiêu thuế quan ưu tiên trong năm đầu tiên của ông Trump khi danh sách các đối tác thương mại lớn hơn khá dài, trước hết bắt đầu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh như vậy, năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn 16% so với mức +15,1% vào năm 2024. Do đó, khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh tỷ giá gần đây chịu áp lực nhẹ là rất nhỏ.

Ngân hàng Trung ương có nhiều khả năng điều chỉnh tỷ giá hối đoái hơn và can thiệp thông qua hoạt động trên thị trường mở (OMO) và tín phiếu (T-bill). Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu tích cực nửa đầu năm, khả năng tăng lãi suất là rất nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO