Xuất khẩu tôm sẽ "bơi ngược dòng" những tháng cuối năm?

Linh Nga 19/08/2019 11:01

Những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tại nhiều thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, với việc khai thác các lợi thế từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xuất khẩu tôm được kỳ vọng sẽ phục hồi.

fasf

Hiện tôm Việt đang vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các thị trường, trong đó có Ấn Độ và Ecuador.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 3,9 tỷ USD, giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018.

Sau khi liên tục sụt giảm qua các tháng đầu năm, sang tháng 7/2019, xuất khẩu tôm bắt đầu phục hồi với mức tăng khá hứa hẹn 13,4% đạt 334 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm lên 1,77 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 68%, trong khi xuất khẩu tôm sú đạt 384 triệu USD, chiếm 23%, tôm biển chiếm 10% với 181 triệu USD.

Theo ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hiện tôm Việt đang vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các thị trường, trong đó có Ấn Độ và Ecuador. Giá thành sản xuất cao, quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hệ thống liên kết chuỗi chưa hình thành tốt, nên khi có những tác động về thị trường sẽ gây bất lợi cho người sản xuất.

Mặc dù 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam kỳ vọng có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường EU nhờ tác động tích cực của FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 -30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng, tuy nhiên, từ tháng 6 đã tăng trở lại và dự báo những tháng tiếp theo, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn, do vậy xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.

VASEP cũng cho rằng, xuất khẩu cá ngừ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên tại thị trường EU khó đoán định vì sẽ phụ thuộc vào kết quả thanh tra của EU cuối tháng 10/2019 đánh giá việc thực hiện khuyến nghị chống khai thác IUU của EU.

Trong 1 vài tháng tới, có thể doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Nếu có kết quả tích cực sau thanh tra, xuất khẩu sẽ khởi sắc mạnh hơn, ngược lại kết quả những tháng cuối năm sẽ kéo kim ngạch xuất khẩu của nửa cuối năm hoặc tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác cũng bị chi phối bởi thẻ vàng IUU nhưng có thể các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sang các thị trường khác ngoài EU, do vậy, xuất khẩu vẫn có thể duy trì tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tại thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam mã HS 030617 phải cạnh tranh về giá với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm Việt Nam có lợi thế hơn so với Ecuado và Trung Quốc nhờ FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc.

Do đó, để khai thác tốt hơn nữa thị trường tôm Hàn Quốc, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, các doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận thông tin về FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của mình, đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu tôm sẽ "bơi ngược dòng" những tháng cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO