Thành phố Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là ba điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác.
Tại Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa tỉnh Ninh Bình, Thành phố Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên, bà Đặng Hương Giang-Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hội nghị lần này rất quan trọng đối với ngành du lịch Hà Nội trong mục tiêu đẩy mạnh liên kết các vùng. Về định hướng phát triển du lịch Thủ đô, phát triển du lịch đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía bắc và cả nước; vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá giai đoạn tới bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cùng với việc rà soát quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Quản lý, nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch. Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành du lịch Thủ đô. Cùng với đó, hợp tác liên kết du lịch cũng là giải pháp được Hà Nội chú trọng triển khai, thực hiện.
Trong bối cảnh lượng du khách quốc tế vẫn còn khó khăn nhất định do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, cũng như do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế của toàn cầu, các nước, việc đẩy mạnh phát triển khách nội địa của ngành du lịch vô cùng quan trọng. Do đó, sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố, cũng như là liên vùng trong lĩnh vực phát triển mang lại hiệu ứng tốt hơn trong việc quảng bá đối với du khách trong nước.
Tại Hội nghị lần này, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn kết nối giữa doanh nghiệp với các địa phương để làm sao tạo ra sản phẩm mang lại giá trị gia tăng tốt nhất cho khách. Đồng thời, quảng bá hình ảnh du lịch của các điểm đến Hà Nội, đến với các vùng du lịch khác trong nước. Thông qua kết nối các nhà quản lý trong lĩnh vực du lich, các doanh nghiệp, các đơn vị hàng khách sạn, các đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch, ...để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, các tour tuyến mới hấp dẫn và chất lượng hơn.
Bà Đặng Hương Giang cho biết, trong những năm qua, liên kết du lịch Hà Nội và Ninh Bình đã được triển khai. Thông qua hợp tác giữa Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh đã cho thấy hiệu quả rõ ràng là lượng khách đến với các địa phương tăng lên rõ rệt.
Cũng theo Bà Đặng Hương Giang, hiện nay đối với các địa phương khu vực phía Bắc, Hà Nội không chỉ kết nối với Ninh Bình mà còn kết nối với Quảng Ninh, Sơn La, Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Bắc. Thông qua các hoạt động xúc tiến tích cực, lượng khách du lịch là người Hà Nội cũng đã tăng lên.
Tham gia hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên lần này có hơn 100 doanh nghiệp ở các địa phương, không chỉ có các doanh nghiệp ở Hà Nội Ninh Bình, Gia Lai mà còn có các địa phương khác như: Kon Tum, Đăk Lak, Bình Định,...
Theo bà Đặng Hương Giang, Hội nghị đã ghi nhận rất nhiều những ý kiến đóng góp tích cực, những ý tưởng sáng tạo cũng như những trăn trở của những người làm du lịch, mong muốn du lịch nói chung và phát triển vùng trong hợp tác du lịch nói riêng phát triển. Đồng thời, các chuyên gia du lịch, các cơ quan quản lý, các hiệp hội, các doanh nghiệp và điểm đến du lịch đã sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ các kinh nghiệm, góc nhìn thực tế.
Bà Đặng Hương Giang cho rằng, thành phố Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là ba điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. Tây Nguyên được biết là một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ, khác lạ. Với vẻ đẹp tự nhiên vốn có, khí hậu tuyệt vời, ẩm thực đặc sắc, giá trị văn hóa gắn với cồng chiêng, người dân nồng hậu, chất phác…
Trên cơ sở tiếp thu các nội dung trong báo cáo tham luận và các ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu ngày hôm nay, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng và triển khai các chương trình liên kết, phát triển du lịch đảm bảo đi vào thực chất, hiệu quả. Qua đó, hình thành và phát triển các tour, tuyến, sản phẩm du lịch liên kết thực sự chất lượng phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Những năm gần đây, du lịch Tây Nguyên đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên đã thu hút được đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch ưa thích du lịch sinh thái - văn hóa.
Đặc biệt cảng hàng không Pleiku, Buôn Ma Thuật và hệ thống giao thông kết nối đến các tỉnh Tây Nguyên là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch. Lượng du khách từ Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình đến Tây Nguyên ngày một tăng lên. Việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa Tây Nguyên với tỉnh Ninh Bình và Thành phố Hà Nội rất thuận lợi.
Theo chương trình của Đoàn công tác, sau Hội nghị lần xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng tại Pleiku, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đến khảo sát một số điểm du lịch của tỉnh Gia Lai; đến Đắk Lắk tổ chức chương trình giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa thể thao Du lịch Đắk Lắk cùng các doanh nghiệp lữ hành của hai tỉnh, thành phố.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 22/10/2023
00:30, 20/10/2023
09:54, 10/11/2023