Thị trường dầu mỏ thế giới đang khá tích cực không chỉ nhờ OPEC và một số quốc gia đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ, mà còn do sản lượng khai thác dầu mỏ của Venezuela liên tục sụt giảm.
Thật khó xác định những yếu tố nào có thể định hình lại thị trường dầu mỏ thế giới. Tuy nhiên có bốn khả năng, nhưng chỉ có hai trong số chúng có thể thay đổi giá dầu thô trong ngắn hạn.
Thứ nhất là sự thay đổi chế độ ở Saudi Arabia. Với việc sa thải các chỉ huy cao cấp quân đội trong thời gian gần đây, Thái tử Mohammed bin Salman có thể đang củng cố quyền lực của mình. Tuy nhiên, động thái này, đến sau cuộc bắt giữ hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp bao gồm các thành viên của gia đình hoàng gia, đã gây ra sự căng thẳng. Việc củng cố quyền lực nhằm tạo ra liên minh, chứ không phải là kẻ thù.
Một sự thay đổi chế độ và tái khẳng định mô hình lãnh đạo truyền thống hơn hoàn toàn có thể xảy ra. Điều đó sẽ làm mất ổn định nhưng sẽ không làm thay đổi thị trường dầu mỏ thế giới trong một thời gian dài. Dù ai là người nắm quyền lực, Saudi Arabia cần tiếp tục sản xuất và duy trì sự đoàn kết của OPEC nếu không muốn giá dầu sụt giảm.
Thứ hai là một cuộc tấn công khủng bố mới có thể được kích hoạt bởi việc mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem vào tháng 5 sắp tới vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm nhà nước Israel. Hiện nay ISIS vẫn chưa được chế ngự sau khi thất bại ở Raqqa và Mosul nhưng nhóm khủng bố này cần một mục đích tượng trưng để tuyển quân và gây quỹ. Một cuộc tấn công, có thể nhắm vào một trong những quốc gia có liên minh với Mỹ, có thể khơi mào cho những xung đột về tôn giáo và sắc tộc trong khu vực, đặc biệt là nếu có sự trả đũa do Mỹ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, tác động của sự kiện này đến giá dầu mỏ nhiều khả năng sẽ chỉ gián tiếp và tạm thời. Mỗi quốc gia trong khu vực đều rất cần giữ được nguồn thu từ dầu mỏ. Trong hơn 30 năm qua, xung đột đã trở thành chuyện thường ngày, dù quốc gia nào hay tổ chức khủng bố nào đều không thể làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ.
Thứ ba là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Những nỗ lực hòa giải trong Thế vận hội mùa đông vừa qua không đạt nhiều thành công. Hiện không có gì ngăn cản chế độ Triều Tiên theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã khiến Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ở châu Á.
Thứ tư là những bất ổn ở Venezuela, quốc gia không ổn định nhất trong OPEC. Lạm phát của đất nước này là quá lớn. Nền kinh tế, xã hội dân sự và chính phủ đều sụp đổ. Quân đội là một bức tranh biếm hoạ của tham nhũng. Tổng thống Nicolás Maduro vẫn nắm quyền, nhưng có ít quyền lực. Mối nguy hiểm là ở thế cực đoan, ông đang tìm kiếm một kẻ thù để bôi nhọ phe đối lập ở Venezuela.
Mục tiêu rất có thể là Guyana - một chủ đề tranh chấp lãnh thổ từ lâu. Sự khởi đầu của quá trình phát triển những mỏ dầu mới tại đây, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, có thể là lý do cho sự can thiệp của Venezuela vào khu vực tranh chấp phía Đông sông Essequibo. Sự can thiệp cũng có thể nhằm mục đích đón đầu một phán quyết tiêu cực của Toà án Công lý quốc tế, vốn được Liên Hợp Quốc yêu cầu giải quyết.
Thật khó tin rằng Mỹ sẽ im lặng trước việc vẽ lại biên giới. Venezuela không có đồng minh ở Washington; Exxon Mobil, công ty tìm ra dầu, thì có. Một cuộc xung đột có thể cô lập Venezuela, cắt đứt con đường xuất khẩu, nhưng nếu được xử lý không đúng, cũng có thể khôi phục lại tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ Latinh. Những cải cách thị trường dầu mỏ bắt đầu ở Brazil và Mexico vẫn chưa được đảm bảo và đã có những ứng cử viên trong các cuộc bầu cử sắp tới ở cả hai nước không muốn có đầu tư nước ngoài vào dầu mỏ.
Thị trường dầu mỏ có thể ổn định vào lúc này, nhưng thế giới chính trị thì không. Thật khó mong đợi thị trường dầu mỏ sẽ ổn định trong năm 2018.