Mirae Asset Việt Nam cho rằng, mặc dù ngành Dệt may Việt Nam đang dần cải thiện, nhưng môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô.
>>>Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm 2024. Xuất khẩu sợi và sản phẩm dệt may ước tính lần lượt đạt 1,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ và 10,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý I/2024, xuất khẩu sản phẩm dệt may sang các thị trường trọng điểm như Mỹ tăng 8% so với cùng kỳ, Nhật Bản tăng 11,3% so với cùng kỳ và Hàn Quốc tăng 0,6% so với cùng kỳ ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định. Đối với thị trường sợi, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 19,8% và Hàn Quốc tăng 15,7% so với cùng kỳ, tăng mạnh trong quý I.
Theo Mirae Asset Việt Nam, tính đến cuối tháng 4, thị phần may mặc của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm ghi nhận tăng trưởng, bao gồm Mỹ (19,4%; 2023: 18,2%), Nhật Bản (17,3%; 2023: 16,9%) và Hàn Quốc (29,8%; 2023: 28,7%).
“Thị phần của Việt Nam tại Mỹ và Nhật Bản ghi nhận ở mức cao lịch sử, trong khi thị trường Hàn Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đồng thời, thị phần hàng may mặc Trung Quốc tại các thị trường này tiếp tục xu hướng giảm dù vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu”, Mirae Asset Việt Nam đánh giá.
Bên cạnh đó, sản xuất dệt may trong nước tiếp tục cải thiện trong 4 tháng đầu năm. IIP mảng dệt và may mặc tăng lần lượt 14,5% và 5,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chỉ số sử dụng lao động mảng dệt tiếp tục tăng trưởng, trong khi, chỉ số này ở mảng may mặc cũng được cải thiện.
Đánh giá về triển vọng và rủi ro trong năm 2024, Mirae Asset Việt Nam chỉ ra 3 yếu tố tác động đến triển vọng của ngành:
Thứ nhất, các nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng: Trong quý I, các thị trường trọng điểm của Việt Nam nhìn chung ghi nhận mức tăng trưởng GDP khá tốt: Mỹ tăng 3%; EU tăng 0,4%, cao hơn mức kỳ vọng là 0,2%; Trung Quốc tăng 5,3%, trên mức dự báo là 5%; và Hàn Quốc tăng 3,4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo là 2,4%.
Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo GDP thực tế năm 2024 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng gồm Mỹ tăng 1,6%); EU tăng 0,7%; Nhật Bản tăng 0,9%); và Trung Quốc tăng 4,5%). Sự tăng trưởng liên tục ở các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu ở những thị trường này.
Thứ hai, hàng tồn kho và doanh số của các thương hiệu lớn: Vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma có xu hướng giảm, duy trì ở mức thấp so với giai đoạn quý IV/2022 và quý I/2023. Ngoài ra, tỷ lệ tồn kho trên doanh thu của các cửa hàng thời trang và các nhà bán sỉ cũng ghi nhận sự sụt giảm so với số liệu cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng và hàng tồn kho sẽ dẫn đến sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng trong năm 2024.
Thứ ba, niềm tin người tiêu dùng được duy trì: Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong quý I. So với số liệu đầu năm 2023, tâm lý tiêu dùng dường như mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ - thị trường dệt may trọng điểm của Việt Nam ghi nhận mức tiết kiệm của hộ gia đình giảm và duy trì ở mức thấp, điều này báo hiệu không tốt cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai.
Về rủi ro ngắn hạn, Mirae Asset Việt Nam cho rằng, biến động địa chính trị và lãi suất điều hành cao là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may năm 2024. Lạm phát cao hơn kỳ vọng gần đây khiến FED ngần ngại trong việc hạ lãi suất trong năm 2024. Lãi suất cao có thể cản trở hoạt động chi tiêu và tiêu dùng.
Các xung đột địa chính trị trên thế giới cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đem đến rủi ro lớn cho nền kinh tế. Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể cản trở việc tiêu thụ sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi ở Trung Quốc giảm và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Về rủi ro dài hạn, theo Mirae Asset Việt Nam, cùng với việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng cao. Ngoài ra, hiện nay người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đánh giá, ngành dệt may Việt Nam đang có những lợi thế lớn, đầu tiên là Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại tự do; tiếp đến là Việt Nam là một quốc gia có nền công nghiệp dệt may đang phát triển bắt kịp xu thế của toàn cầu về chiến lược đầu tư cho con người, đầu tư cho công nghệ, chiến lược đầu tư phát triển quản trị số và chiến lược đầu tư phát triển xanh, phát triển bền vững; đặc biệt là chiến lược đầu tư cho các dòng sản phẩm có tính ổn định bền vững và an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, một trong những khó khăn lớn của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là thiếu lao động do các địa phương khuyến khích lao động đi xuất khẩu, cùng với việc thu hút lao động từ các địa phương trở về làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, lao động bỏ nhà máy ra ngoài làm các công việc dịch vụ, shipper rất nhiều.
“Để khắc phục tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang chủ động đầu tư vào trang thiết bị, công nghệ tự động hóa. Bởi khi tự động hóa càng cao thì áp lực tuyển dụng lao động càng giảm đi, đặc biệt đối với ngành may. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư vào quản trị số, đầu tư vào giải pháp liên kết chuỗi nhằm chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn
04:30, 06/04/2024
Sự khởi đầu tích cực cho ngành dệt may Việt Nam
17:00, 28/03/2024
Thúc đẩy xanh hoá ngành dệt may
14:58, 28/02/2024
Gỡ khó chính sách thuế để thúc đẩy ngành dệt may phát triển
04:00, 27/01/2024
Dự báo ngành dệt may sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến
04:30, 18/01/2024