Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (HoSE: BCM) vừa công bố Nghị quyết về việc phát hành gói trái phiếu với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng để hoán đổi nợ.
>>>Bịt “lỗ hổng” pháp lý với dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Theo Nghị quyết, BCM dự kiến sẽ phát hành 10.000 trái phiếu, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị phát hành của lô trái phiếu này là 1.000 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp.
Thời gian dự kiến của đợt phát hành trái phiếu này là trong tháng 6/2023. Kỳ hạn của lô trái phiếu không quá 2 năm từ ngày phát hành. Các trái chủ sẽ được trả lãi suất 13%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ trả lãi suất tiếp theo sẽ được thả nổi và được tính bằng tổng lãi suất tham chiếu +3,5%, nhưng đảm bảo không thấp hơn 13%/năm. Lãi suất sẽ được tính 3 tháng/lần.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là các tài sản thuộc sở hữu của tổ chức phát hành, bao gồm cả các tài sản thế chấp và cầm cố. Trái phiếu phát hành sẽ được trả nợ bằng nguồn thu hợp pháp của tổ chức phát hành, bao gồm: Toàn bộ nguồn thu từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng; Toàn bộ nguồn thu từ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khác thuộc sở hữu của BCM; và các nguồn thu hợp pháp khác từ hoạt động kinh doanh của doanh nghệp.
Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này là 1.000 tỷ đồng sẽ được BCM sử dụng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ số tiền gốc và lãi đến hạn của các khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp.
Việc BCM lên kế hoạch phát hành lô trái phiếu này trong tháng 6/2023 được cho là do áp lực đáo hạn nợ trái phiếu của doanh nghiệp đang cận kề. Cụ thể, tính đến cuối quý I/2023, tổng dư nợ trái phiếu của BCM lên đến hơn 9.882 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu đến hạn trả là gần 918 tỷ đồng, trong đó, hơn 399 tỷ đồng phát hành cho Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) và hơn 518 tỷ đồng phát hành cho các cá nhân khác.
Ngoài ra, trong cơ cấu tổng nợ phải trả của BCM lên tới 30.600 tỷ đồng, trong đó, 7.500 tỷ đồng là vay nợ từ ngân hàng. Với áp lực vay nợ tài chính, năm 2022, BCM đã phải chi số tiền 880 tỷ đồng cho việc trả lãi vay. Và với hơn 5.600 tỷ đồng các khoản vay nợ ngắn hạn được ghi nhận vào thời điểm cuối quý I/2023. Trong khi, lượng tiền mặt còn quá ít, với chỉ 840 tỷ đồng cho thấy, áp lực cơ cấu nợ của “ông lớn” ngành bất động sản khu công nghiệp này là không hề nhỏ.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại không mấy khả quan khi doanh thu trong quý I/2023 chỉ đạt hơn 791 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh hơn 78% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 92 tỷ đồng. Nguyên nhân do lợi nhuận gộp của công ty mẹ và phần lãi từ các công ty liên kết đều giảm mạnh.
Không những vậy, lưu chuyển tiền thuần của BCM cũng âm hơn 634 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, dòng tiền kinh doanh ghi nhận thâm hụt lớn nhất kể từ quý I/2019, với con số âm 1.238 tỷ đồng, do gia tăng hàng tồn kho, các khoản phải thu và trả lãi vay.
Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phát triển hệ sinh thái bất động sản khu công nghiệp, đô thị tại Việt Nam, với quỹ đất lên tới 32.000 ha, với nhiều khu công nghiệp lớn tại Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Doanh thu của BCM đạt đỉnh cao nhất vào năm 2019 với hơn 9.250 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng ghi nhận kỷ lục vào năm 2018 với gần 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào năm 2020, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, với lợi nhuận chỉ còn dưới 800 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Trong 2 năm tiếp theo (2021, 2022), lãi ròng của doanh nghiệp đã phục hồi trở lại với 1.400 tỷ đồng và gần 1.700 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, vào đầu tháng 2/2023 vừa qua, cổ phiếu BCM đã được HoSE bổ sung vào rổ VN30 thay thế cho cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền. Tuy nhiên, ngay sau khi đón nhận tin vui này, cổ phiếu BCM lại liên tục bị điều chỉnh giảm giá. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu BCM đã giảm gần 7,4% và cũng là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30.
Giới chuyên gia cho rằng diễn biến giảm giá cổ phiếu BCM thời gian qua là do đã bắt đầu xuất hiện những lo lắng của nhà đầu tư trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I/2023 của doanh nghiệp không mấy khả quan, trong khi kế hoạch đặt ra trong năm nay lại ở mức khủng, với doanh thu 9.460 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên đến 2.263 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 32% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, với cơ cấu cổ đông khá cô đặc hiện nay của BCM khiến “sân chơi” của nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thu hẹp. Theo đó, cơ cấu cổ đông của BCM hiện này phần lớn là do UBND tỉnh Bình Dương nắm giữ, với 988 triệu cổ phiếu, tương đương với hơn 95,4% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường chỉ khoảng 47 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của những cổ đông còn lại.
Ngoài ra, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được đánh giá là đang gặp rất nhiều lực cản trong năm 2023. Trong bối cảnh tình hình ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, xuất nhập khẩu sụt giảm, nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định, sự giảm tốc của FDI, dù không nhiều vẫn tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của ngành bất động sản khu công nghiệp.
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, chỉ bằng 92,7% so với cùng kỳ. Về cơ cấu vốn, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD. Bên cạnh đó, 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% về số dự án nhưng giảm 59,4% về số vốn so với cùng kỳ.
Chứng khoán VNDirect nhận định, các yếu tố tích cực hỗ trợ với ngành bất động sản khu công nghiệp đang mờ nhạt, tới từ các thách thức dần xuất hiện. VNDirect cho rằng, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung mới trong năm 2023 khi thủ tục phê duyệt bị trì hoãn tới từ những vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang dần suy yếu so với các quốc gia khác trong khu vực, tới từ sự gia tăng cạnh tranh đến từ Indonesia, Malaysia khi các đối thủ này có môi trường kinh doanh, phát triển thuận lợi cho ngành xe điện và ngành công nghiệp bán dẫn; Và thuế tối thiểu toàn cầu sẽ sớm được áp dụng trong năm 2024 có thể khiến cho lợi thế về ưu đãi thuế biến mất.
Có thể bạn quan tâm
Bịt “lỗ hổng” pháp lý với dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp
03:00, 20/05/2023
CII: Phát hành trái phiếu chuyển đổi liệu có tiết kiệm hơn?
05:30, 04/05/2023
Kẽ hở phát hành trái phiếu bất động sản
20:00, 30/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
20:36, 05/03/2023
Trách nhiệm của tổ chức trung gian phát hành trái phiếu doanh nghiệp
00:05, 01/03/2023