Trong bối cảnh môi trường công nghệ và địa chính trị thay đổi liên tục, 10 xu hướng lớn đang có tiềm năng định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Như chủ đề chính mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 đã nói tới – "Tái lập Niềm tin", nền kinh tế toàn cầu đang ở ngã ba đường quan trọng của sự bất định, nơi hòa trộn giữa tiềm năng của sự đổi mới công nghệ với những nguy cơ to lớn từ các rạn nứt địa chính trị.
Với những “cú hích” khó lường có thể tác động trên quy mô toàn cầu, khó có thể dự đoán được đâu sẽ là xu hướng kinh tế có thể định hình lại tương lai chúng ta trong 5 năm tới. Dù vậy, qua quan sát những diễn biến hiện nay, nhiều chuyên gia đã chỉ ra 10 xu hướng lớn có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
>>"Cuộc cách mạng" máy bay điện còn nhiều chông gai
Tiền điện tử và công nghệ blockchain đang làm thay đổi lĩnh vực tài chính. Theo báo cáo của Statista, thị trường blockchain toàn cầu dự kiến sẽ đạt 39,7 tỷ USD vào năm 2025. Các chuyên gia như Don Tapscott, tác giả cuốn “Cuộc cách mạng blockchain” tin rằng blockchain có thể mang lại sự minh bạch, hiệu quả và bảo mật cao hơn trong các giao dịch tài chính.
AI và tự động hóa được thiết lập để tăng năng suất nhưng cũng sẽ đe dọa phá vỡ thị trường lao động truyền thống. Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây dự đoán đến năm 2025, tự động hóa sẽ tạo ra 97 triệu việc làm mới nhưng đồng thời sẽ thay thế 85 triệu việc làm. Ginni Rometty, cựu Giám đốc điều hành của IBM, nhấn mạnh sự cần thiết của việc đào tạo lại kỹ năng, ông nói rằng: "Việc làm sẽ khác 100% trong tương lai và chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó."
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang trên đà phát triển và đã đi vào chương trình nghị sự của nhiều quốc gia. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dự đoán rằng năng lượng tái tạo có thể chiếm 90% nguồn cung cấp điện toàn cầu vào năm 2050. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs chỉ ra: “Đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà còn là một cơ hội kinh tế”.
Kể từ Covid-19, quá trình chuyển đổi từ ngồi tại văn phòng sang làm việc từ xa vẫn đang tiếp diễn, trở thành một xu hướng lớn hơn trong tương lai. Đến năm 2023, 16% công ty trên toàn cầu hoàn toàn làm việc từ xa và 63% cung cấp các lựa chọn làm việc kết hợp. Dự kiến nhu cầu làm việc từ xa sẽ tăng 30% vào năm 2030.
Đáng chú ý, theo khảo sát của Upwork, 98% nhân viên ở Mỹ muốn làm việc từ xa ít nhất một phần thời gian và 93% nhà tuyển dụng tại quốc gia này có kế hoạch tiếp tục phỏng vấn từ xa. Những số liệu này cho thấy xu hướng làm việc từ xa trên toàn cầu đang tăng lên, được thúc đẩy bởi sự linh hoạt, quyền tự chủ và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thương mại điện tử sẽ tiếp tục định hình lại bối cảnh ngành bán lẻ trên toàn cầu. Theo báo cáo từ eMarketer, doanh số thương mại điện tử toàn cầu ước tính đạt 6,54 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Trong tương lai, không phải sản phẩm mà trải nghiệm khách hàng trong thương mại điện tử mới là điểm nhấn mà các công ty phải nghĩ tới, theo Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi coi khách hàng của mình như những vị khách được mời đến một bữa tiệc, và chúng tôi là chủ nhà.”
Những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, như y học từ xa và công nghệ sinh học, là rất đáng kể. Theo báo cáo của Fortune Business Insights, thị trường y học từ xa toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 185,66 tỷ USD vào năm 2026. Tiến sĩ Eric Topol, bác sĩ tim mạch hàng đầu, tin rằng y học cá nhân hóa là tương lai, cung cấp "các phương pháp điều trị phù hợp với từng cá nhân".
>>10 vấn đề lớn cần lưu ý trong năm 2024
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã từng cảnh báo rằng, với những căng thẳng địa kinh tế hiện nay, gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động thị trường toàn cầu có thể sẽ trở thành trạng thái “bình thường mới”.
Theo các chuyên gia như Tiến sĩ Hau L. Lee của Đại học Stanford, cách sống sót qua giai đoạn đầy bất ổn này sẽ là sự linh hoạt. Tại đó, các chiến lược ứng biến và đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng có thể giảm thiểu sự gián đoạn trong tương lai. Dù là bài toán khó, nhưng nếu các quốc gia bắt tay hợp tác, tính khả thi vẫn sẽ cao.
Các thị trường mới nổi đang sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 4% vào năm 2024, vượt xa các nền kinh tế phát triển. Nhà kinh tế học Jim O'Neill, người đã đặt ra thuật ngữ BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), coi những quốc gia này là “rất quan trọng đối với tương lai của tăng trưởng kinh tế”. Thậm chí, dù chưa được coi là nền kinh tế phát triển, Trung Quốc đã là cường quốc kinh tế số 2 thế giới vài năm trở lại đây.
Khi số hóa phát triển, sự tập trung vào quyền riêng tư dữ liệu cũng tăng theo. GDPR ở Châu Âu và các quy định tương tự trên toàn thế giới cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức và hành động đối với vấn đề này. Chuyên gia an ninh mạng Bruce Schneier nhấn mạnh: “Quyền riêng tư của dữ liệu không chỉ là vấn đề cá nhân, mà đó là một vấn đề xã hội”. Các ông lớn dữ liệu sẽ phải thay đổi để thích nghi với tư duy mới.
Nền kinh tế không gian đang được thiết lập những nền tảng vững chắc để mở rộng. Morgan Stanley ước tính ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu có thể tạo ra doanh thu hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk, đã hình dung về một tương lai nơi du hành và khám phá không gian cũng phổ biến như du lịch hàng không. Thế kỷ 20 đã thuộc về máy bay, thế kỷ tiếp theo sẽ là của tàu không gian.
Mười xu hướng này được chọn ra dựa trên bối cảnh kinh tế năng động và phát triển nhanh chóng. Như ông Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phát biểu: “Trong thế giới mới, không phải "cá lớn nuốt cá nhỏ" mà "cá nhanh ăn cá chậm”. Khả năng thích ứng và tầm nhìn xa sẽ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân khi họ vượt qua những thời điểm biến đổi này.
Có thể bạn quan tâm
Thêm một ngành kinh tế Mỹ "đại bại" dưới tay Trung Quốc
04:30, 24/01/2024
“Hé lộ” các kịch bản kinh tế thế giới năm 2024
04:30, 22/01/2024
Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu
04:30, 22/01/2024
Lộ diện ngành kinh tế mới đem lại hàng trăm tỷ USD cho Trung Quốc
03:00, 21/01/2024
Ấn Độ sớm soán “ngôi vương” kinh tế của Trung Quốc?
04:00, 20/01/2024