Trong bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden đã thể hiện rõ quan điểm về Trung Quốc cũng như định hình mối quan hệ với Bắc Kinh trong thời gian tới.
Cụ thể, trong bài phát biểu đầu tiên trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất một chương trình đầu tư trong nước trị giá hàng nghìn tỷ USD. Đây được coi là chìa khóa để thách thức tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và củng cố vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra chính sách hấp dẫn tầng lớp trung lưu, ông Biden cho biết, chính quyền Mỹ sẽ cung cấp kinh phí để giúp đỡ các gia đình, mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục và việc làm trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu và phát triển. Đây được coi là những lĩnh vực cốt lõi trong việc đối đầu với Bắc Kinh.
"Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc và các quốc gia khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21. Chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ tái thiết đất nước. Chúng ta phải xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn. Đầu tư một lần trong một thế hệ vào gia đình và con cái của chúng ta" để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh của tương lai”, ông Biden nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, ông Biden khẳng định Washington sẽ đối mặt với Bắc Kinh, nhưng không tìm cách gây chiến. Ông cho biết, trong cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ hoan nghênh cạnh tranh, nhưng không tìm kiếm xung đột; đồng thời Washington sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng như trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Đáp trả bài phát biểu của Tổng thống Biden, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo, cuộc cạnh tranh của hai quốc gia nên là cuộc đua điền kinh, không phải là một trận đấu tay đôi mang tính chất sống còn.
“Trung Quốc cam kết phát triển mối quan hệ với Mỹ dựa trên cơ sở không xung đột và không đối đầu", ông Uông nói. “Tuy nhiên, việc buộc nước khác chấp nhận thể chế dân chủ của mình sẽ chỉ gây chia rẽ, gia tăng căng thẳng và hủy hoại sự ổn định".
Các chuyên gia nhận định, quan điểm về Trung Quốc trong bài phát biểu sẽ được ông Biden duy trì trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống. Nhiều khả năng, mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục trở nên căng thẳng trong thời gian tới. Bài phát biểu của ông Biden thể hiện rõ Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc. Theo David Dollar, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton nhận định, khi nói đến Trung Quốc, Tổng thống Biden phần lớn đang tiếp tục cách tiếp cận của người tiền nhiệm Donald Trump.
Chuyên gia này chỉ ra, Ngoại trưởng Antony Blinken đã chỉ ra rằng có ba loại vấn đề khi nói đến Trung Quốc: những vấn đề sẽ đối đầu với Trung Quốc, những nơi sẽ cạnh tranh và những vấn đề có thể hợp tác trên cơ sở lợi ích chung.
Cụ thể, trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông Biden, Mỹ chủ yếu tập trung vào khía cạnh đối đầu, và cạnh tranh. Cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao tại Alaska là minh chứng rõ ràng, cho thấy quan hệ Mỹ-Trung sẽ không được thiết lập lại. Mặt khác, về mặt an ninh, bên cạnh những tuyên bố căng thẳng về vấn đề biển Đông, Lầu Năm Góc đang xem xét lại một số chính sách với Trung Quốc.
Kết quả của việc này có thể là việc chuyển nguồn lực quân sự khỏi khu vực Trung Đông (rút quân khỏi Afghanistan) sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối phó lại Trung Quốc, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ không đổi trong thời gian tới.
Công nghệ cũng được chính quyền Mỹ nhấn mạnh là một lĩnh vực cạnh tranh với Trung Quốc. Ngôn ngữ của ông Biden trong bài phát biểu thiên về việc coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hơn là kẻ thù. Mặt khác, việc đề xuất gói chi tiêu đầy tham vọng cho cơ sở hạ tầng, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều quỹ hơn phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển một số công nghệ mới nhằm vượt lên và ngăn Trung Quốc thống trị các công nghệ của tương lai. Các chính sách này bắt đầu dưới thời Cựu Tổng thống Trump và đã được mở rộng một cách khiêm tốn dưới thời ông Biden.
Trong khi đó, có rất ít bằng chứng về sự hợp tác, một ngoại lệ là việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và phương Tây, mặc dù nó cũng có thể trở thành một cuộc cạnh tranh mới, khi chính quyền Mỹ gây áp lực buộc Trung Quốc đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn và đưa ra những điều khoản ràng buộc để ép quốc gia này nghiêm túc thực hiện trong vòng 5 năm.
Trải qua 100 ngày đầu tiên sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, nước Mỹ đang cho thấy, họ có thể có cả mối quan hệ đối đầu và cạnh tranh với Trung Quốc. Mặc dù vậy, theo thời gian, chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden có thể sẽ phải trở nên ít đối đầu hơn khi nhiều đồng minh của Mỹ đang có xu hướng tránh đối đầu với Bắc Kinh.
Có thể bạn quan tâm