Chuyên gia cho rằng, chính sách miễn giảm thuế là chưa đủ, phải chọn lọc và phân loại ngành nghề cần hỗ trợ, tránh chuộc lợi và tránh vắt kiệt nguồn thu.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ ban hành 3 Nghị định giãn thuế và tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp. Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP (tạm gọi là Nghị định 52) về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất năm 2021.
Các chuyên gia đánh giá, Nghị định 52 ra đời vừa không gây hụt thu thuế, vừa hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn. Nói như chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính: “Trong điều kiện thiếu vốn, Nghị định 52 giúp doanh nghiệp không phải đi vay ngân hàng, giảm chi phí vốn vay. Buôn tài không bằng dài vốn”.
Tuy nhiên, chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại rằng trong tình thế hiện nay, chính sách vẫn chưa bao quát hết các đối tượng gặp khó khăn, những giải pháp về giảm thuế chỉ hiệu quả với doanh nghiệp “còn sống”.. Nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, số thuế phát sinh thấp hoặc thậm chí không có doanh thu nên không phát sinh thuế. Bởi vậy, nhóm đối tượng này hầu như chẳng được hưởng lợi gì. “Giảm là đúng, là tốt, nhưng với các doanh nghiệp không có doanh thu, thì có giảm thuế nữa, cũng không giải quyết được vấn đề gì. Doanh nghiệp không có tiền, đang điêu đứng hoàn toàn”, một doanh nghiệp chia sẻ.
Thực tế khảo sát nhanh mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho thấy, 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết vẫn đang chịu tác động tiêu cực nặng nề từ Covid. Trong đó, khó khăn phổ biến nhất là thị trường tiêu thụ sụt giảm, không thanh toán được các chi phí kinh doanh do thiếu nguồn thu...
Kết quả này hoàn toàn tương đồng với cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuối năm 2020, công bố đầu tháng 3/2021, với quy mô lớn hơn rất nhiều. Có tới 87,2% trong số hơn 8.600 doanh nghiệp tham gia cho biết họ phải chịu tác động ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” từ đại dịch.
Không chỉ không có doanh thu không nhận được hỗ trợ giảm thuế, nhiều doanh nghiệp còn cho biết đang “gánh” nhiều loại phí. “Không có khách, doanh thu sụt giảm nhưng doanh nghiệp vẫn phải gánh các chi phí vận hành, phí cầu đường, bến bãi, trả lãi ngân hàng. Đã vậy, quản lý của ngành giao thông vận tải có nhiều vấn đề bất cập, nhiều yêu cầu đòi hỏi ngành vận tải đầu tư nâng cấp trong khi chưa cần thiết”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã và đang lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid – 19 bằng biện pháp ưu đãi thuế. Mặc dù thu ngân sách gặp khó khăn, Chính phủ Trung Quốc vẫn miễn thuế VAT cho một loạt dịch vụ, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp… để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp.
Tương tự, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn duy trì các chính sách ưu đãi về thuế (gồm hoãn thời gian thu thuế và phí, tín dụng thuế, giảm thuế suất, tạm thời giảm giá thuê các tài sản của Nhà nước)…
Theo các nhà kinh tế thế giới, nếu Chính phủ các nước ngừng các gói cứu trợ quá sớm có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Do đó, yêu cầu về những gói hỗ trợ thuế là cần thiết. Nhưng điều đáng nói, phải hỗ trợ đúng trọng tâm, đúng đối tượng đặc biệt trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, các Nghị định, hướng dẫn hỗ trợ ưu đãi thuế cần tập trung phân loại được các ngành nghề cần hỗ trợ, ngành nghề nào đón nhận cơ hội nhờ đại dịch, tránh cào bằng.
“Cần theo sát nhu cầu của doanh nghiệp, phải chọn lọc và phân loại ngành nghề cần phải hỗ trợ dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Đồng thời, cần có cơ sở đánh giá khảo sát tác động của Covid, tránh hiện tượng trục lợi chính sách”, ông Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, trong dài hạn, phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ổn định, tăng trưởng theo chiều sâu. Cải cách chính sách thuế theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự công bằng, bình đẳng. Tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm ăn có lãi, tránh hiện tượng tận thu, vắt kiệt nguồn thu, rất nguy hiểm.
Trước đó, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng từng nhiều lần nhấn mạnh, các biện pháp hỗ trợ như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là không hiệu quả và không thực chất.
“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, VEPR đề xuất. Bởi từ đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đặc biệt theo các chuyên gia, điều doanh nghiệp cần là sự ổn định về kinh tế vĩ mô, về chính sách. Trong đó, chính sách thuế, phí (không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới) để tăng sức đề kháng và phục hồi. Qua đó đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và bảo đảm việc làm cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 15/05/2021
14:00, 14/05/2021
11:00, 14/05/2021
11:10, 12/05/2021
11:00, 06/05/2021