Lễ hội Hoa Ban năm 2019 sẽ diễn ra từ 13-18/3/2019, đêm khai mạc dự kiến vào ngày 16/3/2019.
Lễ hội Hoa Ban là hoạt động thường niên của tỉnh Điện Biên, khai mạc tại thành phố Điện Biên Phủ vào thời điểm trung tuần tháng 3 hằng năm nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của tỉnh Điện Biên; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Đồng thời, với hình tượng xuyên suốt là Hoa Ban, Lễ hội còn là dịp để tôn vinh Hoa Ban với vị thế là biểu trưng cho mảnh đất và con người Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung; góp phần xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên tới đông đảo nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, Lễ hội Hoa Ban năm 2019 sẽ diễn ra từ 13-18/3/2019, đêm khai mạc dự kiến vào ngày 16/3/2019.
Các hoạt động chính trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức tại nhiều điểm trong phạm vi thành phố Điện Biên Phủ như: Khai mạc lễ hội diễn ra tại Quảng trường 7/5 với chương trình nghệ thuật chủ đề “Hoa Ban rạng rỡ đất Mường Thanh”, kết thúc đêm khai mạc là màn bắn pháo hoa tầm thấp; Cuộc thi người đẹp hoa Ban 2019 có sự tham gia của các thí sinh khu vực Tây Bắc và một số tỉnh phía Bắc; diễu hành đường phố chủ đề “Đêm hội hoa Ban” được diễn ra trong không gian một số tuyến đường chính, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.
Có thể bạn quan tâm
15:34, 16/02/2017
19:13, 12/01/2019
09:12, 20/03/2018
20:00, 15/03/2017
09:49, 17/02/2017
09:48, 17/02/2017
Do thời gian diễn ra lễ hội trùng với thời gian tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI (từ 15-18/3/2019) là sự kiện chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh Điện Biên, tiêu biểu là kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2019), 110 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019), 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019). Lễ hội và Ngày hội được tổ chức vào tháng 3 - gắn liền với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (13/3/1954) “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Vì vậy, Lễ hội Hoa Ban lần này có thêm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung như: “Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc” chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, giới thiệu nét văn hóa truyền thống của 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên; “Trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc”, “Trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc”, “Liên hoan ẩm thực vùng Tây Bắc”, “Tái hiện phiên chợ vùng cao”… Ngoài ra, trong khuôn khổ liên hoan còn có các môn thể thao mang tính gắn kết cộng đồng như: kéo co, tù lu, đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, tung còn…
“Với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng lịch sử của miền đất Điện Biên Phủ anh hùng, linh thiêng, Lễ hội và Ngày hội sẽ tạo nên một không gian lễ hội cộng đồng sôi nổi, rực rỡ sắc màu hòa chung với không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử” ông Dũng nói.
Đồng với quan điểm trên, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên chia sẻ: Nhằm hướng về những sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh Điện Biên trong năm 2019, Lễ hội và Ngày hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động gợi lại những năm tháng không thể quên, tiêu biểu như thi xe đạp thồ, thi tải đạn. Đây là 02 hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao thú vị với môn thi tải đạn lần đầu tiên được tổ chức gắn liền với hồi ức về chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh xe đạp thồ và dân công tải đạn trong lịch sử đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh toàn dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch sẽ được tái hiện lại qua các màn tranh tài.
Đánh giá Lễ hội Hoa Ban lần thứ 5 năm 2018, ông Chì cho rằng, bên cạnh những hiệu quả tích cực đó là tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; thúc đẩy du lịch phát triển… vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Hiện tượng tăng giá ở các nhà hàng làm phần nào mất đi hình ảnh du lịch Điện Biên trong lòng du khách; nội dung các sự kiện, chương trình chưa thật sự phong phú, tạo dấu ấn; không gian trải nghiệm cho du khách chưa nhiều...
Với những kinh nghiệm rút ra sau 5 lần tổ chức thường niên, Lễ hội Hoa Ban lần thứ 6 năm 2019 sẽ đa dạng hơn về nội dung sự kiện, đảm bảo tính sáng tạo về nội dung, hình thức, đậm đà bản sắc văn hóa của con người Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung, góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa của Lễ hội, Ngày hội. Đặc biệt, tạo sự kết nối, liên kết, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế tốt đẹp giữa tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào và các tỉnh thành trong cả nước.
Nhìn nhận về chiến lược phát triển cây Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Hoa Ban 2019 cho hay, ngoài việc đổi mới các nội dung hoạt động trong Lễ hội, Điện Biên đã chủ trương phát triển rừng Ban và diện tích trồng hoa Ban, hoa Anh Đào trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025. Theo đó, ngày 10/9/2018 Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số 17-NQ/TU nhằm hiện thực hoá mục tiêu về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời phát triển cây hoa Ban, cây hoa Anh Đào trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 bào vệ và phát triển 400 ha rừng hoa Ban tự nhiên, thực hiện trồng mới 30.000 cây hoa Ban trên các tuyến phố, tuyến đường chính, tuyến đường nhánh, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, khuôn viên công sở, trường học… Trồng tập trung 100 ha cây hoa Ban tại các điểm di tích lịch sử, các điểm gần đường giao thông thuận lợi cho hoạt động thăm quan, ngắm cảnh, qua đó tạo cảnh quan độc đáo và hứa hẹn thời gian tới sẽ trở thành những con đường Hoa Ban phục vụ đồng bào và du khách, tạo nên ấn tượng khó quên về một “miền hoa Ban”.
Ngoài ra, quy hoạch, trồng mới tạp trung 15 - 20 ha cây hoa Anh Đào tại các xã Mường Phăng và Pá Khoang huyện Điện Biên. Đến năm 2025, tổng diện tích cây hoa Ban tự nhiên được bảo vệ và phát triển 1.500 ha, thực hiện quy hoạch và trồng tập trung 200 ha cây hoa Ban tại Thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Tiếp tục bảo vệ, chăm sóc diện tích cây hoa Anh Đào đã trồng và tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới 40 – 50 ha tại địa bàn các xã Mường Phăng và Pá Khoang, huyện Điện Biên.