3 nhóm khó khăn doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt

HUYỀN TRANG 05/08/2023 04:00

Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời phân loại thành 3 nhóm khó khăn, vướng mắc chính.

>>>Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc bất động sản đã làm những gì?

3 nhóm khó khăn chính

Nhóm khó khăn vướng mắc thứ nhất là khó khăn về pháp lý. Cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; thẩm quyền chuyển nhượng dự án...

việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc.

Việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc. Ảnh: LV

Nhóm khó khăn vướng mắc thứ hai là khó khăn về tổ chức thực hiện. Theo Bộ Xây dựng, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản.
Cụ thể như trong khâu giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án… 

Nhóm khó khăn vướng mắc thứ ba là khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn.

Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

>>Dùng ngân sách giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch

“Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, buộc phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc. Có nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, Bộ xây dựng cho biết.

Tiếp tục tháo gỡ về cơ chế, chính sách

Bộ Xây dựng thông tin, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành một số cơ chế chính sách, công điện trong chỉ đạo với nhiều biện pháp giải quyết cụ thể và quyết liệt, cùng sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành để từng bước tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản.

từng bước tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. Ảnh: LV

Theo đó, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” và triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư; các Công điện số 194/CĐ-TTg, Công điện số 469/CT-TTg, Công điện số 470/CT-TTg, Công điện số 634/CĐ-TTg.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Tổ công tác, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành khẩn trương, tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể đã tích cực làm việc lần lượt với một số địa phương lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai và một số doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. 

Cùng với đó, khẩn trương, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục triển khai liên quan đến dự án bất động sản trên địa bàn.

Tập trung nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng bất động sản

    Tiếp tục kiểm soát chặt rủi ro tín dụng bất động sản

    14:54, 04/08/2023

  • Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc bất động sản đã làm những gì?

    Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc bất động sản đã làm những gì?

    12:30, 04/08/2023

  • Nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang ra sao?

    Nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang ra sao?

    05:00, 04/08/2023

  • Gỡ khó thị trường bất động sản trên tinh thần

    Gỡ khó thị trường bất động sản trên tinh thần "rõ đến đâu xử lý đến đó"

    14:28, 03/08/2023

  • Bất động sản bản lẻ Hà Nội

    Bất động sản bản lẻ Hà Nội "chuyển mình"

    03:00, 03/08/2023

  • Pháp lý minh bạch thúc đẩy bất động sản Thanh Hóa phát triển bền vững

    Pháp lý minh bạch thúc đẩy bất động sản Thanh Hóa phát triển bền vững

    09:36, 02/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 nhóm khó khăn doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO