Tín dụng - Ngân hàng

3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản

Nguyễn Đức Lệnh, Phó GĐ NHNN chi nhánh TPHCM 05/09/2024 16:22

Đến cuối tháng 7/2024 tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt trên triệu tỷ, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023.

Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại hiệu quả cao, trực tiếp và góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

gd.jpg
Tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM duy trì xu hướng tăng trưởng, với sự phục hồi của thị trường bất động sản chung. Ảnh minh họa

Tuy nhiên trong bối cảnh vẫn còn những khó khăn thách thức đối với nền kinh tế, thì các giải pháp đồng bộ để các thị trường: hàng hóa, thị trường tài chính và thị trường Bất động sản duy trì ổn định, tăng trưởng và phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Trong đó sự phục hồi của thị trường Bất động sản sẽ kích thích tạo lập dòng tiền, do liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác. Đồng thời có tác động trực tiếp đến hoạt động tín dụng bất động sản nói chung và trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Qua phân tích đánh giá tín dụng bất động sản trên địa bàn Thành phố, 7 tháng đầu năm 2024 gắn liền với một số diễn biến sau:

Thứ nhất, dư nợ tín dụng bất động sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối tháng 7/2024 tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt trên triệu tỷ, chiếm 27,6% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn; 7 tháng đầu năm tín dụng chung trên địa bàn tăng 3,9%).

Thứ hai, tín dụng nhà ở (gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác) vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 57% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn. Trong đó dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt: 2.543 tỷ, tăng 78% so với cuối năm. Dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng cao, do trong 7 tháng đầu năm các TCTD đã giải ngân cho vay các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó giải ngân cho vay từ gói 120 nghìn tỷ đạt 170 tỷ, cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại Tp. Thủ Đức.

Thứ ba, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh: cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX; cho vay xây dựng văn phòng, cao ốc; xây dựng nhà hàng, khách sạn khu du lịch.. đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Trong đó dư nợ cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX đạt: 48.392 tỷ, tăng 18,4% so với cuối năm 2023; cho vay văn phòng cao ốc đạt: 24.041 tỷ, tăng 14% so với cuối năm.

Đây là những kết quả về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn gắn với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên tín dụng bất động sản, chủ yếu là cho vay trung dài hạn, thời gian dài.

Vì vậy, sự tăng trưởng và phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường có tác động quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các NHTM. Theo đó việc tuân thủ nghiêm các quy định về tín dụng; về mục đích sử dụng vốn vay và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, sẽ không chỉ là yếu tố bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Trong thời gian tới, để đạt được các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, nhằm đóng góp cho tăng trưởng tích cực nhất của nền kinh tế, các TCTD cần đặc biệt quan tâm, khai thác và sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả, gắn với những chuyển biến tích cực từ thị trường: về phát triển bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, KCX-KCN; du lịch dịch vụ; về tạo lập nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, với những thay đổi từ cơ chế chính sách và giải pháp phát triển bền vững cho thị trường.

Trong năm 2024, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, với nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, tiêu biểu như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; hay chương trình tín dụng dành cho nhà ở xã hội và thu nhập thấp 120.000 tỷ đồng, đã được mở rộng lên 140.000 tỷ đồng.

Hiện nhiều TCTD cũng đã, đang tiếp triển khai các gói ưu đãi cho vay và ưu tiên lãi suất vay tiêu dùng bất động sản với cố định lãi suất thấp từ 3, 6 tháng 1, 2, 3 năm... nhằm tiếp tục kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều thuận lợi từ các Luật BĐS có hiệu lực từ ngày 1/8; đặc biệt tại Điều 200 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, cho phép ngân hàng được chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, dự báo cũng sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng và bên vay trong tiếp cận cung - cầu tín dụng bất động sản mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO