Bô Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với chiều dài 300km, cùng nhiều phương án đầu tư.
Theo đó, 7 tuyến cao tốc đường bộ vùng ĐBSCL bao gồm: tuyến cao tốc gồm Cần Thơ - Cà Mau; Chơn Thành - Đức Hòa; Đức Hòa - Mỹ An; Mỹ An - Cao Lãnh; An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Với tổng vốn đầu tư là 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.300 tỷ đồng.
Về tiến độ đầu tư, các tuyến cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên; Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030 Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021 - 2025.
Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ.
Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 197 km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 69.000 tỷ đồng. Đây là một trong hai cao tốc trục ngang ở miền Tây. Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành; trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP Cần Thơ hơn 46 km, Hậu Giang hơn 23 km và Sóc Trăng 25,5 km. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm.
Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km, đi qua các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Công trình có tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ. Cao tốc này sẽ kết nối với 2 cao tốc trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (TP. HCM - Trung Lương - Cần Thơ) và cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Bình Phước - TP. HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang).
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và Chơn Thành - Đức Hòa cũng dự kiến thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Hai dự án đang ở giai đoạn hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Ngoài 7 dự án trên, Bộ GTVT cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc để làm cơ sở triển khai.
Trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ lựa chọn những đoạn, những tuyến, những khu vực quan trọng để đầu tư trong 5 năm tới. Bộ đã trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, hết nhiệm kỳ tới có thể nâng độ dài cao tốc của ĐBSCL từ hơn 40 km hiện nay (cao tốc TP. HCM - Trung Lương) lên khoảng hơn 300 km trong năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
Cao tốc của vùng ĐBSCL sẽ tăng lên 300km vào năm 2025
03:00, 04/11/2020
Ông Nguyễn Thanh Xuân - ĐBQH TP Cần Thơ: Cần lượng hóa việc đầu tư đường cao tốc cho ĐBSCL
10:45, 03/11/2020
Kiên Giang muốn phát triển kinh tế dẫn đầu vùng ĐBSCL
11:07, 16/10/2020
Hạn, mặn tại ĐBSCL sẽ diễn ra gay gắt hơn trong năm 2021
11:00, 09/10/2020