Một dự luật lưỡng đảng về việc phân bổ 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ trong vòng 5 năm tới đã được thông qua.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết: “Tôi vừa đệ trình Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ như một bản sửa đổi cho Đạo luật Biên giới Vô tận (Endless Frontier Act) để kết hợp luật pháp của các ủy ban khác nhau. Có thể nói, Thượng viện vừa thực hiện bước tiếp theo và thông qua khoản đầu tư “lịch sử” vào khoa học, công nghệ và sản xuất của Mỹ ”.
Theo đó, dự luật này được kỳ vọng sẽ cho phép Mỹ vượt qua Trung Quốc và các nước khác trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như chất bán dẫn, tạo việc làm được trả lương cao cho Mỹ và giúp cải thiện nền kinh tế của đất nước và an ninh quốc gia.
Trên thực tế, hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng thiếu chip. Đồng thời, nước Mỹ đang dựa khá nhiều vào các bộ vi xử lý được sản xuất tại nước ngoài. Và khoản đầu tư lịch sử lên đến 52 tỷ USD này, mục đích để nước Mỹ có thể duy trì vị trí hàng đầu trong sản xuất chip.
Theo Reuters, biện pháp này sẽ “hỗ trợ việc thực hiện nhanh chóng các điều khoản về chất bán dẫn trong Đạo luật Quốc phòng”. Đồng thời, dự luật bao gồm 39 tỷ USD khuyến khích sản xuất và xây dựng các trung tâm nghiên cứu(R&D), cũng như kế hoạch thực hiện 10,5 tỷ USD, choTrung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia và các chương trình R&D khác.
Bên cạnh đó, Dự luật này cũng bao gồm 1,5 tỷ USD quỹ khẩn cấp để giúp các nước phương Tây phát triển thiết bị thay thế các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE, đồng thời nhằm mục đích đẩy nhanh sự phát triển của mô hình kiến trúc mở (OpenRAN) do các nhà khai thác Mỹ hỗ trợ.
Tổng thống Joe Biden cũng ủng hộ dự luật này. Ông từng kêu gọi phân bổ 50 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn. Theo Reuters, sản lượng chất bán dẫn của Mỹ hiện chiếm 12% tổng sản lượng thế giới, giảm so với mức 37% vào năm 1990.
Mới tháng trước, Ford Motor cảnh báo rằng tình trạng thiếu chip có thể cắt giảm một nửa sản lượng trong quý II, khiến hãng này thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD và khoảng 1,1 triệu xe vào năm 2021, trong khi General Motors đã cắt giảm kế hoạch mở rộng sản xuất do thiếu chip và tăng thời gian ngừng hoạt động của nhà máy tại Bắc Mỹ.
Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không ngồi yên
Tờ Nikkei Asia đưa tin, theo dự thảo kế hoạch tăng trưởng sẽ được hoàn thiện sớm nhất vào tháng 6, Chính phủ Nhật Bản sẽ cam kết mở rộng quy mô quỹ 200 tỷ yên (khoảng 1,84 tỷ USD) hiện có để hỗ trợ ngành sản xuất chip trong nước.
Kế hoạch này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu vốn, chẳng hạn như mời gọi các nhà sản xuất Mỹ đầu tư vào Nhật Bản để tăng cường chuỗi cung ứng chip của hai nước.
Trong dự thảo, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy đầu tư quy mô lớn vào việc phát triển pin xe điện. Dự thảo chiến lược kêu gọi Nhật Bản chiếm 40% thị phần bán dẫn điện thế hệ tiếp theo trên thế giới được sử dụng trong xe điện và các ứng dụng khác trong vòng 10 năm.
Chiến lược tăng trưởng là nền tảng quan trọng để Chính phủ Nhật Bản làm việc chăm chỉ để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và khả năng cạnh tranh của Nhật Bản. Kế hoạch này sẽ nêu rõ những lo ngại của chính phủ Nhật Bản về tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu. Sự thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu đã khiến sản lượng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bị gián đoạn và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 450 tỷ USD trong 10 năm tới và nhà máy sản xuất chip 5nm của Samsung có thể bắt đầu xây dựng vào quý 3. Đất nước Kim Chi cũng đang tăng cường đầu tư vào ngành chip cùng các ưu đãi về thuế, bao gồm hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới Samsung và SK Hynix, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc cho biết khoảng 153 công ty chip đã lên kế hoạch đầu tư 510 nghìn tỷ won (tương đương 453 tỷ USD) trở lên trong 10 năm tới.
Có thể thấy, rõ ràng đang có sự tăng cường đầu tư của các quốc gia khác nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp chip. Các quốc gia trên thế giới đã bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng cách tổ chức lại chuỗi cung ứng của chính họ. Nước nào đầu tư trước để củng cố ngành công nghiệp trong nước, xây dựng hệ sinh thái, dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu, nước đó sẽ có cơ hội vượt lên.
Có thể bạn quan tâm