Những doanh nhân thành đạt xuất thân từ ngành y

NHA TRANG 27/02/2022 01:00

Xuất thân từ ngành y, tới nay, các doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh, Vũ Thị Thuận, Trần Thị Lệ, Trần Trọng Kiên,... đều là thủ lĩnh của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam.

>>>Ngày của "chiến binh áo trắng", hy vọng bình minh sớm trở lại

Doanh nhân Vũ Thị Thuận: "Con nhà nòi"

Doanh nhân Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, trong một gia đình có truyền thống ngành Đông dược.

Thời phổ thông, bà Thuận rất đam mê môn hóa học nên đã đăng ký thi vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Rời giảng đường đại học, bà được phân công về Sở Y tế Giao thông Vận tải trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với vị trí cán bộ kỹ thuật Xưởng sản xuất thuốc Đường sắt.

Trải qua nhiều nỗ lực và các vị trí khác nhau, cuối cùng bà Thuận được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco từ tháng 5/2013 cho đến nay.

Suốt 40 năm gắn bó với Traphaco, bà Thuận được coi là "linh hồn" của công ty, góp công lớn tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay. Bà đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước trong đó có danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.

Bà ghi dấu ấn khi dẫn dắt Traphaco chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần. Sau đó, với chiến lược khác biệt, tập trung vào mảng đông dược, bà đưa Traphaco từ một doanh nghiệp nhỏ thành công ty sản xuất đông dược lớn nhất Việt Nam. 40 năm gắn bó với Traphaco, bà Thuận được coi là linh hồn của công ty, góp công lớn tạo nên công ty dược Traphaco vững mạnh hiện nay.

Đến nay Traphaco đã sở hữu 03 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP - WHO Tân dược, Đông dược và chiết xuất, các vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Việc áp dụng công nghệ cao trong công tác quản trị hệ thống phân phối giúp công ty tiếp cận trực tiếp và chăm sóc tới hơn 27.000 khách hàng là nhà thuốc bán lẻ trên toàn quốc thông qua 28 chi nhánh, 01 công ty con phân phối và các đại lý làm nhiệm vụ phân phối. Trong công tác quản trị doanh nghiệp, Traphaco đã nỗ lực đổi mới hệ thống quản trị công ty bằng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh như: phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP, công cụ KPI… giúp nâng cao năng suất lao động, xây dựng hệ thống chuyên nghiệp và hiệu quả.

Bà Phạm Thị Việt Nga: Tình cờ nên duyên

Bà Phạm Thị Việt Nga được xem là “linh hồn” của công ty Dược Hậu Giang

Bà Phạm Thị Việt Nga được xem là “linh hồn” của công ty Dược Hậu Giang

"Nữ tướng" ngành dược Phạm Thị Việt Nga đã rời chức vụ Tổng giám đốc tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang từ ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, bà Nga vẫn tiếp tục đồng hành cùng Dược Hậu Giang với vai trò là thành viên HĐQT để tham gia điều hành chiến lược. Đồng thời, bà Nga cũng làm cố vấn chuyên môn để chuyển giao nhịp nhàng và hỗ trợ Ban điều hành kết nối, xây dựng các mối quan hệ.

Bà Phạm Thị Việt Nga sinh ngày 20/12/1951, là Tiến sĩ Kinh tế - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và có bằng Dược sĩ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Bà được coi là "linh hồn" của Dược Hậu Giang với 30 năm gắn bó cùng Công ty từ những ngày khó khăn cho đến khi trở thành thương hiệu dược số một tại Việt Nam.

"Duyên phận" với ngành Dược của bà vô cùng tình cờ, sau khi bà nhận phân công của tổ chức. Lúc đó, bà hoàn toàn không hề có khái niệm nào về công việc sắp tới của mình và thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, với tinh thần thép của một nữ bộ đội, bà đã không ngần ngại bắt đầu học lại Kinh tế. Trước đó, bà Nga từng tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1964 đến năm 1975.

Bà Nga bắt đầu gia nhập Dược Hậu Giang từ năm 1988 với cương vị Tổng giám đốc. Kể từ khi Xí nghiệp liên hợp Dược Hậu Giang được cổ phần hóa vào năm 2004, bà Nga giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất trong HĐQT và Ban điều hành là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.

Dược Hậu Giang không phải doanh nghiệp dược ra đời sớm nhất trên thị trường nhưng lại là thương hiệu dược tiên phong trong công tác Marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư hệ thống phân phối khắp cả nước. Nhờ những nền móng mà bà Nga cùng các cộng sự đặt ra từ những năm 90, Dược Hậu Giang đến nay đã có một vị trí vững chắc trên thị trường. Trong đó, kênh phân phối chính là điểm mà bà Nga tự hào nhất ở Dược Hậu Giang, giúp công ty không tốn nhiều chi phí vào quảng cáo mà vẫn cạnh tranh được với các thương hiệu dược khác.

Năm 2013, bà Phạm Thị Việt Nga được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh doanh nhân quyền lực nhất châu Á, bên cạnh bà Mai Kiều Liên, chủ tịch HĐQT Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk. Theo Forbes, danh sách 50 nữ doanh nhân này đều là những người phụ nữ đặc biệt tích cực lèo lái doanh nghiệp vượt qua "cơn bão" khủng hoảng trong năm 2012, đạt lợi nhuận cao trong thời điểm kinh tế toàn châu Á đi xuống.

Bà Trần Thị Lệ: Hai lần vực dậy Nutifood

Bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khó khăn và vào nhóm công ty sữa nội địa thuộc top đầu thị trường.

Bà Trần Thị Lệ - CEO NutiFood dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khó khăn và vào nhóm công ty sữa nội địa thuộc top đầu thị trường.

Xuất thân là một bác sĩ, nhưng với nỗ lực và tâm huyết, nữ doanh nhân Trần Thị Lệ - CEO NutiFood đã dẫn dắt công ty từng bước vươn lên vị trí số 1 thị trường nội địa về dòng sữa đặc trị.

Sau khi tốt nghiệp đại học Y khoa TP.HCM, năm 1998 bác sĩ Trần Thị Lệ về làm việc tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM sau đó chuyển qua làm việc tại Cơ sở thực phẩm Đồng Tâm. Năm 2000 bà trở thành giám đốc công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm.

Năm 2003, khi ở tuổi 30, bà Lệ trở thành cổ đông lớn nhất của NutiFood. Đây cũng là thời điểm mà nữ doanh nhân này trở thành Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm, tiền thân của NutiFood.

Xuất thân là bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng, nhưng bà Lệ chuyển hướng sang kinh doanh. Bà cũng chính là người "phát kiến" ra cách dùng máy xay sinh tố để xay nhuyễn thức ăn cung cấp cho bệnh nhân qua ống truyền thực quản.

Những năm 90, mỗi buổi sáng tại một bệnh viện nhi tại TP HCM, cứ 10 em được điều thị thì 2-3 em tử vong do thiếu tình trạng dinh dưỡng để điều trị bệnh. Một vị bác sĩ đã mày mò, tìm hiểu ác loại thực phẩm, cho vào chiếc máy xay sinh tốt, thêm vào đó men tiêu hóa giúp nuôi ăn các em qua ống thông dạ dày. "Hành động tưởng chừng đơn giản đó cứu sống hàng nghìn trẻ em", bà Lệ nhớ lại.

Năm 2000, quy mô NutiFood còn rất nhỏ khi bà được mời về. Bản thân bà cũng chưa hiểu biết về kinh doanh nhưng đã tham vọng đưa thương hiệu ra vượt khỏi dải đất hình chữ S. Bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang NutiFood. Tên mới dễ gọi, dễ nhớ, đồng thời liên quan đến định hướng dinh dưỡng. "Tại sao chúng ta không thể xây dựng những doanh nghiệp lớn và phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn vươn tầm thế giới", bà Lệ tự vấn.

  • Trái tim lương y
  • Tăng lương, đãi ngộ cho ngành Y: Ước gì đừng ở ti vi

Ban ngày bà điều hành công ty. Buổi tối bà đến trường học cùng ổ bánh mì chống đói. Dù vậy, có nhiều hôm lãnh đạo NutiFood hăng say làm đến quên bữa, chạy vội cho kịp giờ học cùng chiếc bụng đói. Những nỗ lực của bà Trần Thị Lệ và đội ngũ công ty được đền đáp khi từ 2000-2007, công ty tăng trưởng phi mã, trung bình 237% mỗi năm. Từ cơ sở nhỏ lẻ, doanh số công ty chạm mốc 500 tỷ đồng năm 2007.

Khát vọng vươn cao hơn, công ty sau đó tung cổ phiếu lên sàn, đồng thời bà Lệ tuyển dụng nhiều nhân sự chuyên nghiệp nắm vai trò điều hành.

Với tốc độ lớn mạnh quá nhanh, NutiFood không kịp dự phòng các rủi ro. Trong giai đoạn khủng hoảng, doanh nghiệp lỗ đến cạn vốn điều lệ. "Công ty rất khó khăn, tưởng chừng không vượt qua", nữ CEO kể.

HĐQT đề xuất bà Trần Thị Lệ quay lại điều hành. Bà thuật lại tình hình lúc đó, nhân viên giỏi bỏ đi, công nhân ăn lương chờ việc, 150 nhà phân phối từ bỏ hợp tác. Bà Lệ tự nhủ: "Không còn đường nào xuống thì chỉ có cách đi lên".

Nữ giám đốc điều hành tự mình thuyết phục nhân viên ở lại, đồng cam cộng khổ. Bà cũng trực tiếp thương thảo với hàng trăm phân phối khắp các tỉnh thành, thay vì giao phó cho nhân sự cấp dưới. Bà lao vào làm ngày làm đêm gần 5 năm liên tục để giúp công ty phục hồi, thoát lỗ và tìm lại lợi nhuận.

"Ban ngày chúng tôi làm việc, ban đêm bắt đầu di chuyển, tận hai giờ đêm mới đến khách sạn. Sáng sớm đi gặp đối tác, rồi lại tiếp tục điều hành", bà nói.

Cũng từ những chuyến đi đó, bà tận mắt nhìn thấy những cô cậu bé tám tuổi nhưng thể trạng thấp còi, chiều cao ngang đứa trẻ bốn tuổi.

Từ đó, đội ngũ NutiFood nghiên cứu dòng sản phẩm đặc trị cho trẻ Việt Nam mắc chứng suy dinh dưỡng với mong ước góp phần giúp thế hệ tương lai của Việt Nam cao lớn, khoẻ mạnh, thông minh. Ngân sách R&D mỗi năm của công ty lên đến 200 tỷ đồng. Mức chi này được duy trì cho đến nay.

"Mỗi sản phẩm của chúng tôi làm ra trước hết phải dùng được cho con em mình. Sản phẩm vừa có hiệu quả, vừa phải ngon để các cháu dùng nhiều", bà chia sẻ.

Bông hồng thép Nguyễn Thị Mai Thanh

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân đội, năm 16 tuổi bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá. Công việc của một người lính quân y theo bà suốt 6 năm trước khi bà được cử ra Bắc học văn hóa vào năm 1973.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống quân đội, năm 16 tuổi bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá. Công việc của một người lính quân y theo bà suốt 6 năm trước khi bà được cử ra Bắc học văn hóa vào năm 1973.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức), bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà Thanh được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, và trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE sau đó 10 năm.

Dưới sự lãnh đạo của bà Thanh, REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá 200 triệu USD.

Khi được hỏi liệu rằng làm quá lâu tại một doanh nghiệp có là giới hạn hay không, bà Thanh thành thật: "Đôi khi tôi phải suy nghĩ về chuyện bản thân là một người phụ nữ và gắn với REE hơn 30 năm chẳng thay đổi". Bà quan niệm trên vai trò một lãnh đạo, tố chất cần thiết trong các ngành nghề là thứ luôn thay đổi theo thời gian, vậy nên ta phải tôi rèn những phẩm chất khác nhau.

Chưa kể, là một phụ nữ, bản thân bà dù tự thấy không có nhiều cản trở trong con đường thành lãnh đạo, nhưng so với đàn ông thì phải khó khăn hơn. "Ví dụ, nếu phụ nữ chưa được sự đồng ý của người chồng, thì khó mà làm lãnh đạo. Phải làm sao người bạn đời hiểu mình, hỗ trợ mình thì là cả một nghệ thuật", bà Thanh nói.

Ông Trần Trọng Kiên: Rời ước mơ bác sĩ để thực hiện khát vọng làm giàu

Ông Trần Trọng Kiên sinh năm 1973, là bác sỹ đa khoa thực hành (Trường Đại học Y Hà Nội), Cử nhân tiếng Anh (Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội), thạc sỹ Quản trị kinh doanh, tài chính (Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ).

Mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với du lịch mạo hiểm, bác sỹ trẻ Trần Trọng Kiên đã bỏ sau lưng tấm bằng đại học y khoa để sáng lập Buffalo Tours - công ty tiên phong trong lĩnh vực giới thiệu các hoạt động du lịch mạo hiểm và các vùng đất chưa bị du lịch hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

“Sinh ra trong một gia đình tương đối khó khăn về tài chính tại Việt Nam, tôi không muốn chứng kiến gia đình tôi, đặc biệt là những đứa con tôi cũng phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Đó chính là lí do tôi bỏ lại tấm bằng bác sỹ để đến với kinh doanh”, Kiên chia sẻ.

TMG tiền thân là một công ty lữ hành nhỏ với vốn điều lệ khi đó chưa tới 100 triệu đồng. 10 năm hoạt động đầu tiên, mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này chủ yếu là điều hành các tour du lịch với thương hiệu Buffalo Tours.

Theo công bố thông tin của TMG, hiện tập đoàn này đang cung cấp chuỗi dịch vụ với 3 mảng chính là du lịch, lữ hành và đặt phòng trực tuyến qua mạng. Sự kết hợp 3 mảng kinh doanh này đem lại doanh thu và mức tăng trưởng 25-30% mỗi năm cho TMG.

Ngoài thành công ở các lĩnh vực kinh doanh chính, khoảng 10 năm trở lại đây, cái tên TMG được nhắc tới nhiều hơn khi tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.

"Cha đẻ cặp siêu nhẹ" Nguyễn Trí Kiên

Ít ai biết được rằng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến, Nguyễn Trí Kiên, từng là bác sĩ nhi khoa nhiều năm trước khi chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh.

Ông sinh năm 1968 trong một gia đình chuyên may túi xách, cặp học sinh rồi bỏ mối ở các chợ.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa tại Đại học Y Tây Nguyên vào năm 1992, ông về làm việc cho bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. Tuy nhiên, ngay khi học xong chương trình Thạc sĩ, ông Kiên lại bỏ bệnh viện để quay về nghề sản xuất túi xách của gia đình.

Vào những năm 1990, Miti đã bắt đầu tạo dựng được thương hiệu riêng của mình, đặc biệt là từ sau khi tung ra sản phẩm cặp siêu nhẹ mang tính đột phá (chỉ nặng 600 gr) ra thị trường, các đơn vị khác cũng bắt tay vào sản xuất loại cặp này, và đã đánh bật được cặp xách Trung Quốc trước đó vốn làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam.

Thời điểm đó, ông Kiên được mệnh danh là "cha đẻ cặp siêu nhẹ" bởi dòng sản phẩm này ra mắt đã nhận được phản ứng tốt từ thị trường, đánh bật mặt hàng Trung Quốc, đều đều mỗi tháng Miti bán ra gần 10.000 chiếc.

Bằng kiến thức của một bác sĩ nhi khoa, ông Kiên nhìn thấy tác hại của những chiếc cặp có trọng lượng quá lớn đã ảnh hưởng đến cột sống của nhiều học sinh. Đi tìm lời giải cho một sản phẩm mới tốt hơn, ông Kiên đã tìm tòi và sử dụng nhựa nguyên sinh để thay thế cho nguyên liệu là nhựa tái chế đang được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các dòng sản phẩm cặp trên thị trường. Với vật liệu mới, chiếc cặp siêu nhẹ ra đời và được xem là "hiện tượng" trong ngành da giày túi xách Việt Nam vào thời điểm đó.

Thời gian trước đây làm ở bệnh viện, ông Kiên chứng kiến rất nhiều trường hợp các bé bị gù hoặc tật ở cột sống. Tỉ lệ các bé mắc bệnh gù lưng chiếm 20-30%, rất đáng lo ngại. Cũng vì chữ duyên với nghề nhi khoa cùng niềm đam mê kinh doanh, ông Kiên quyết tâm tạo ra sản phẩm khác biệt, giúp giảm tỉ lệ gù lưng ở các trường học bằng sản phẩm cặp học sinh chống gù.

"Tôi mất gần 6 năm để nghiên cứu, tìm tòi hệ thống công nghệ chống gù của Đức. Khi định hình được sản phẩm, tôi bắt đầu nghiên cứ kỹ về kết cấu, kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, mẫu mã sản phẩm đa dạng… với mục đích duy nhất là giảm tỉ lệ trẻ bị gù lưng ở Việt Nam khi mang trên mình những chiếc cặp".

Gần 20 năm dìu dắt doanh nghiệp, ông Kiên đã đúc kết ra 5 yếu tố "TỐT" để xây dựng một doanh nghiệp bền vững, tối ưu cỗ máy bán hàng, đem lại doanh thu đều đặn cho công ty gồm: Sản phẩm tốt; Nội dung truyền thông tốt; Công cụ truyền thông tốt; Tài chính tốt; và Đội ngũ con người tốt.

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ: Bỏ trường y theo đuổi vị thế “vua cà phê”

Sinh năm 1971 trong một gia đình nghèo, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã trải qua một tuổi thơ cơ cực. Dù vậy, ông vẫn học rất giỏi và thi đậu Đại học Y Tây Nguyên.

Tuy nhiên, khi đang học năm thứ ba, ông nhận ra mình không muốn trở thành bác sĩ, nên đã bỏ học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh cà phê.

Năm 1996, ông bắt tay cùng ba người bạn lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", với cơ sở ban đầu chỉ rộng vài m2, một chiếc máy rang thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột.

Hai năm sau, Trung Nguyên mở cơ sở tại TP HCM, rồi dần được biết đến như doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu, các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên cũng xuất hiện từ đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group: Cần thay đổi tư duy để nâng tầm du lịch Việt

    Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group: Cần thay đổi tư duy để nâng tầm du lịch Việt

    03:04, 25/02/2022

  • Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch khi

    Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch khi "mở cửa bầu trời"

    02:03, 23/02/2022

  • Cú sa chân của tỷ phú Ronald O. Perelman

    Cú sa chân của tỷ phú Ronald O. Perelman

    00:22, 22/02/2022

  • Doanh nhân và hội họa: Cuộc dạo chơi màu sắc

    Doanh nhân và hội họa: Cuộc dạo chơi màu sắc

    04:50, 20/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những doanh nhân thành đạt xuất thân từ ngành y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO