7 trường đại học khối kỹ thuật vừa tổ chức Hội thảo và ký kết thỏa thuận hợp tác với chủ đề 'Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục', tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhóm 7 trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh); Đại học Mỏ - Địa chất; Đại học Thủy lợi; Đại học Xây dựng Hà Nội và trường Đại học GTVT.
Nhóm 7 trường đại học khối kỹ thuật đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác vào các lĩnh vực như tổ chức hội thảo để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức của viên chức, giảng viên và sinh viên trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo và khởi nghiệp dành cho sinh viên giữa các trường; xây dựng, chia sẻ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chung cho nhóm 7 trường; phối hợp xây dựng các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực có thế mạnh; xây dựng câu lạc bộ, nhóm chuyên môn của giảng viên và sinh viên để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp để kêu gọi tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phối hợp tổ chức các hoạt động về ươm tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên, ươm tạo các doanh nghiệp spin-off của viên chức, giảng viên giữa các trường.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy Cô Tô đề nghị các trường đại học khối kỹ thuật tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền, quyền chủ quyền, vị trí, vai trò, tiềm năng và thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; trách nhiệm của tuổi trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, qua đó tiếp tục bồi dưỡng, khắc sâu tình yêu biển đảo và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên có nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo.
>>Việt Nam - Hàn Quốc chung tay tạo động lực giúp thanh niên khởi nghiệp
Việc kết nối giữa các trường đại học về cơ sở dữ liệu, về thông tin và đầu ra cho các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp ngày càng cần thiết. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao vai trò và sự đóng góp của đội ngũ trí thức, của các chuyên gia, nhà khoa học đối với sự phát triển của đất nước. Huyện Cô Tô mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các trường đại học về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Chính phủ đã có đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Đề án số 844) nhằm xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trải qua 4 giai đoạn gồm: kích hoạt, toàn cầu hóa, thu hút và hội nhập. Kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã được nhiều tổ chức uy tín nghiên cứu, tổng kết.
Trong đó nhấn mạnh đến vai trò có tính quyết định của các trường đại học, viện nghiên cứu như một thực thể quan trọng, nơi không chỉ đào tạo, hướng nghiệp mà còn là vườn ươm ban đầu cho những ý tưởng sáng tạo đột phá và dung dưỡng, phát triển tinh thần khát khao lập nghiệp, khát khao khẳng định bản thân trong những tâm hồn trẻ tuổi.
Có thể bạn quan tâm