Các startup Việt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới, do đó chưa hấp dẫn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, có tới 69% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ gặp khó khăn về tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển; hỗ trợ tài chính cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chủ yếu hướng đến một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cung cấp các ưu đãi thuế cho nghiên cứu và phát triển) trong khi hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước lại ít hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Thực tế năm 2017, hỗ trợ tài chính trực tiếp của Philippines dành cho đổi mới sáng tạo là 237 triệu USD (chiếm 0,07% GDP), hỗ trợ của Việt Nam chỉ đạt 69 triệu USD (chiếm 0,02% GDP). Theo báo cáo trên có tới 37% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Bên cạnh đó, các trường đại học và cơ sở đào tạo chưa thực hiện công tác chuẩn bị để người lao động tương lai tham gia vào các vị trí việc làm ở những lĩnh vực công nghệ cao, dù đã có những tiến triển về khả năng tiếp cận giáo dục.
Giới khởi nghiệp Việt từng lập kỷ lục khi thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021, tăng gần 3,2 lần so với 2020 và 1,7 lần so với 2019. Cũng trong năm 2021, nhiều quỹ đầu tư mới đã được giới thiệu nâng số lượng quỹ lên 173, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện là sở hữu 4 ‘kỳ lân’ gồm VNG, VnPay, MoMo, Sky Mavis, cùng với 11 công ty có trị giá hơn 100 triệu USD.
Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 3 trong top những thị trường thu hút nhiều vốn đầu tư nhất ở khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia. Tài chính số - fintech và thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là 2 ngành thu hút nhiều quỹ tham gia nhất và tiếp tục là xu hướng. Ngành game đã cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong việc thu hút vốn, tăng 2.813% so với cùng kỳ năm trước.
>>Vì sao startup công nghệ tài chính ngân hàng vẫn hút vốn đầu tư?
So sánh để thấy thị trường Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn trong Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia: lượng người dùng internet ở Việt Nam khoảng 72% - Indonesia là 77% - Singapore 88%; về tỷ lệ người dùng có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam khoảng 33% - Indonesia 52% - Singapore 98%; tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam là 4% - Indonesia 2% - Singapore 51%; giá trị thị trường TMĐT B2C của Việt Nam là 15 tỷ USD – Indonesia 23,9 tỷ USD – Singapore 5,8 tỷ USD.
Năm 2023, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực trong thu hút đầu tư vào đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech và trí tuệ nhân tạo. Dòng vốn này đã góp phần quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp trong nước và minh chứng cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Theo Báo cáo đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Vốn cho startup giai đoạn đầu là vấn đề vô cùng quan trọng. Các nhóm startup cần vốn để chuyển từ phát minh, sáng chế thành sản phẩm cụ thể và đem ra bán thử. Tuy nhiên, thực tế, cơ hội tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam gần đây chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ nước ngoài, vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital). Dòng vốn đã tăng mạnh, đạt 165 thương vụ tổng giá trị 1,5 tỷ USD vào năm 2021, nhưng sau đó chậm lại theo xu hướng chung của khu vực.
Hiện có khoảng gần 30 quỹ được thành lập theo Nghị định số 38 về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng những quỹ này hoạt động nhỏ giọt, bởi còn nhiều hạn chế, chẳng hạn, quỹ chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư, doanh nghiệp lập quỹ phải chịu thuế, và một số rào cản khác.
Hiện WB đang thực hiện nghiên cứu chuyên đề “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, đặc biệt, vai trò thiết yếu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Các chuyên gia WB cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư cho các startup đổi mới sáng tạo.
Có thể bạn quan tâm