8 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Việt Minh 19/05/2018 18:00

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học... sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN ở khu vực ngoài nhà nước.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

abc

Cơ sở đào tạo còn được tự chủ trong việc: quy định các tiêu chuẩn đối với giảng viên quy định cơ chế chính sách sử dụng, đãi ngộ để tuyển chọn, thu hút giảng viên, đặc biệt là giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học .

Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua năm 2005, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 và sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 (sau đây gọi chung là Luật Giáo dục). Qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn giáo dục trong nước và quốc tế, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quản lý nhà nước về giáo dục... Vì vậy, để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này dự kiến sửa đổi, bổ sung đối với 50 điều, bãi bỏ 10 điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 1 mục và 3 điều mới; thay thế hoặc bãi bỏ một số thuật ngữ để phù hợp với pháp luật hiện hành. Các nội dung tập trung sửa đổi trong dự thảo Luật liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý giáo dục, các quy định liên quan đến người học,  nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội tiếp tục cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

    Quốc hội tiếp tục cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

    09:43, 19/05/2018

  • Tổng Thư ký Quốc hội trả lời vụ việc bà Phan Thị Mỹ Thanh

    10:33, 19/05/2018

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Mục đích xây dựng và ban hành Dự án Luật này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học (GDĐH) trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của GDĐH hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Về bố cục, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 3 điều tập trung vào các nội dung: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học và sửa đổi các điều về kỹ thuật.

Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Luật Công an nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Thực hiện quy định của Luật này, tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân đã từng bước đi vào ổn định và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Luật định, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an ninh trật tự; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp vớid nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp an ninh với quốc phòng và đối ngoại, kết hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và tạo môi trường ổn định để phát triển mọi mặt của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hòi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 là cần thiết. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiế  lần này gồm 7 chương, 48 điều (bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều so với Luật công an nhân dân năm 2014).

Luật Chăn nuôi

Luật Chăn nuôi được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế và khoảng trống pháp luật trong hoạt động chăn nuôi hiện nay, bảo vệ quyền và nâng cao trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Dự thảo Luật cũng đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, luật hóa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi được thực hiện tương đối ổn định trong thời gian qua. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 8 chương, 65 điều, quy định về quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi, chế biến, xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Luật Trồng trọt

Việc ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 82 điều, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác,  thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nướcvề trồng trọt.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá

Luật Đặc xá được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2008. Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Do đó, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết. Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 39 điều, quy định về các nguyên tắc thực hiện, thời điểm, chính sách của Nhà nước trong thực hiện đặc xá và các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá; Đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước; Đặc xá trong trường hợp đặc biệt; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; Khiếu nại, tố cáo. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào 03 nội dung: một là, quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; hai là, bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá và ba là, bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Luật Cảnh sát biển

Luật Cảnh sát biển được ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013 về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng CSBVN; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật Cảnh sát biển gồm 8 chương, 49 điều, quy định vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của lực lượng CSBVN, các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ cơ bản của CSBVN; xác định phạm vi hoạt động, quyền hạn và biện pháp công tác CSBVN; hoạt động của CSBVN; về phối hợp hoạt động của CSBVN; về tổ chức và bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với CSBVN; về quản lý nhà nước, trách nhiệm của các Bộ, ngành chính quyền địa phương đối với CSBVN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
8 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO