Cuối tháng 10/2024, Apple “phổ cập” Apple Intelligence trên các thiết bị mới của họ.
Siri sẽ trở thành một trợ lý toàn năng, có thể “tự” sử dụng các ứng dụng trên iPhone của người dùng để thực hiện các công việc thay cho họ chỉ bằng cách nói chuyện.
Siri sẽ thực hiện hàng vạn các hành động được lập trình sẵn điều mà trước đây nó không thể. Siri có thể đặt vé xem phim, tự nhận diện thông báo, tin nhắn quan trọng, tổng hợp nội dung email, viết lại đoạn văn hay xóa vật thể trong ảnh. Những chương trình như vậy là một dạng tiến bộ hơn của AI: AI đại diện (AI agent).
Theo IBM, AI đại diện là một hệ thống hoặc một chương trình phần mềm có khả năng tự tạo ra quy trình làm việc cho chính nó để hoàn thành nhiệm vụ do người dùng yêu cầu.
Chẳng hạn như Siri của Apple, nếu như với yêu cầu đặt vé xem phim từ người sử dụng, Siri sẽ kích hoạt một chuỗi các hành động như tự động mở ứng dụng đặt vé xem phim, chọn phim, chọn thời gian, chọn chỗ, đặt vé và thậm chí là thanh toán,…
Với các công cụ AI thông thường, bạn hỏi hoặc tìm kiếm, nó sẽ trả lời. Đáp án của nó sẽ nằm trong một kho dữ liệu được người tạo ra AI nhập vào từ trước mà các chuyên gia trong lĩnh vực AI gọi là “dữ liệu huấn luyện”.
Còn đối với Siri, chúng ta sẽ thấy nó sẽ thực hiện giống như các thao tác của con người, ví dụ hành động mở ứng dụng đặt vé xem phim. Đây là hành vi sử dụng công cụ để hoàn thành nhiệm vụ, chứ không đơn thuần lấy ra thông tin đã được huấn luyện.
Theo các nhà nghiên cứu đại học Princeton, Mỹ, AI đại diện thường có ba đặc điểm: Đó là chúng có thể thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu phức tạp khác nhau mà không cần hướng dẫn. Bên cạnh đó, công cụ AI có thể được coi là “đại diện” nếu con người có thể ra lệnh bằng ngôn ngữ tự nhiên, và vận hành hoàn toàn tự động mà không cần con người kiểm soát. Ngoài ra, AI đại diện có khả năng sử dụng những công cụ, như tìm kiếm trực tuyến hay lập trình, và có khả năng lên kế hoạch một chuỗi những công việc tuần tự.
AI đại diện được dự báo có thể sẽ “nở rộ”, biến đổi tất cả các ngành, kể cả những ngành ít liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Vì vậy, các hãng công nghệ thời gian vừa qua đua nhau làm AI đại diện. Apple Intelligence là một ví dụ.
ChatGPT đã đánh dấu sự rời bỏ sử dụng AI truyền thống kể từ khi công ty sở hữu nó, OpenAI, tích hợp các plugin, khiến nó có khả năng sử dụng các công cụ để thực hiện nhiều yêu cầu.
Tại sự kiện Google I/O được tổ chức vào tháng 5/2024, AI đại diện đã được đề cập rất nhiều, trở thành trọng tâm của sự kiện. Lúc đó, Google đã hé lộ một AI đại diện mang tên Astra, cho phép người dùng tương tác với ứng dụng này thông qua giọng nói và hình ảnh đầu vào quay chụp từ thiết bị công nghệ. Trong demo Google Astra, người dùng có thể hướng camera trên smartphone về những món đồ và hỏi Astra những câu hỏi có liên quan.
Các AI đại diện khác, bao gồm Auto-GPT, AgentGPT và BabyAGI, cũng là những công cụ tiên phong một kỷ nguyên AI đại diện mới.
AI đại diện có thể được triển khai trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ thiết kế phần mềm và tự động hóa công nghệ thông tin đến các công cụ tạo mã (viết phần mềm) và trợ lý đàm thoại.
Nó sử dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiên tiến của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để hiểu và trả lời cũng như nhiều các công cụ khác để đạt được mục tiêu.
Một cuộc khảo sát gần đây của Capgemini tiết lộ rằng 82% trong số 1.100 giám đốc điều hành công nghệ có kế hoạch tích hợp AI đại diện vào tổ chức của họ trong vòng 3 năm tới.
Khảo sát cho thấy 70% số người được hỏi tin tưởng các AI đại diện để phân tích và tổng hợp dữ liệu, trong khi 50% tự tin cho phép các AI đại diện gửi email chuyên nghiệp thay mặt họ. Ngoài ra, khoảng 75% cho biết họ đặt mục tiêu sử dụng các AI đại diện cho các nhiệm vụ như tạo và tinh chỉnh mã.
Một trong những ứng dụng dễ nhận biết nhất của các AI đại diện là trong dịch vụ khách hàng. Theo McKinsey, riêng trong mảng dịch vụ khách hàng, AI đại diện đã chứng minh được khả năng giải quyết vấn đề lên 14% mỗi giờ và giảm 9% thời gian xử lý.
Ngoài dịch vụ khách hàng, AI đại diện cũng đã bắt đầu được tích hợp và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như y tế, giao thông, tài chính ngân hàng,...
Sở dĩ được chú trọng bởi AI đại diện làm được những việc mà AI truyền thống rất khó thực hiện vì đòi hỏi lập trình dựa trên quy tắc, tốn nhiều công sức đào tạo rất cụ thể cho các mô hình học máy. Trong khi đó, AI đại diện thay vì các quy tắc đã định trước, chúng có khả năng thích ứng với các kịch bản khác nhau một cách thông minh.
Hơn nữa, việc xây dựng các AI đại diện đang trở nên đơn giản hơn do ngày càng có nhiều nền tảng phát triển AI đại diện không yêu cầu người dùng doanh nghiệp phải có chuyên môn kỹ thuật.
AI đại diện có thể làm và tự động hóa rất nhiều thứ, nhưng chúng chưa hoàn hảo. Tuy nhiên, có thể khẳng định đây là một công cụ mạnh mẽ có khả năng thúc đẩy sự đổi mới và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực.