Khi câu chuyện về AI tràn ngập, ít người thấy được rằng thời kỳ bùng nổ của các kỳ lân công nghệ đã qua.
Sau nhiều năm, thị trường có vẻ như chưa bao giờ tốt hơn với những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Sau khi sụt giảm vào năm 2022, giá trị thị trường tổng hợp của Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đã tăng 70%, lên hơn 10 nghìn tỷ USD.
>>Cách Trung Quốc vượt khó để tự chủ công nghệ bán dẫn
Trong xu hướng này, AI có vẻ như là động lực chính, khi những câu chuyện về tiềm năng của nó, ví dụ như mở ra những chân trời mới cho nền kinh tế tương lai, đã khiến giới đầu tư quay cuồng.
Công nghệ này cũng đã đưa những công ty bán dẫn lên vị trí cao hơn trong ngành. Ngày 21/2, Nvidia – gã khổng lồ về chip AI, đã báo cáo rằng doanh số bán hàng của mình tăng vọt đến 265% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến hết tháng 1/2024. Giá trị thị trường của công ty đã tăng từ khoảng 500 tỷ USD một năm trước lên 1,7 nghìn tỷ USD hiện nay và trở thành công ty có giá trị thứ năm ở Mỹ.
Open AI, nhà sản xuất Chat GPT và các công ty AI khác như Anthropic cũng đã trở nên nổi tiếng và thu về hàng tỷ USD đầu tư. Hàng nghìn công ty khởi nghiệp về AI nhỏ hơn cũng đã xuất hiện.
Thế nhưng, đó dường như chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo công ty nghiên cứu PitchBook, các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) chỉ đầu tư 170 tỷ USD vào thị trường Mỹ trong 2023, giảm một nửa so với năm 2021. Để so sánh, trong những năm 2010, số lượng kỳ lân – các công ty có giá trị trên 1 tỷ USD – đã tăng vọt ở Mỹ. 344 kỳ lân đã xuất hiện trong năm 2021, trong khi con số của năm ngoái là 45, theo The Economist.
Không chỉ ở Mỹ, Châu Á – nơi được coi là trung tâm kinh tế mới của thế giới – cũng chung tình cảnh. Theo công ty dữ liệu khởi nghiệp Crunchbase, đến giữa năm ngoái, dòng vốn chảy vào các startup ở châu Á đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng giao dịch đầu tư cũng giảm 40%.
Một số thương vụ ấn tượng mang dấu ấn “kỳ lân” chỉ điểm tên Shein, một công ty thời trang nhanh của Trung Quốc, hay startup về năng lượng tái tạo Avaada Energy (Ấn Độ).
Lý do có rất nhiều, nhưng phần lớn đều bắt nguồn từ kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc khi FED tăng lãi suất liên tục. Trong những năm thịnh vượng nhất, giới startup ở Mỹ được săn đón đến mức các công ty công nghệ hầu như không có nhu cầu khai thác thị trường đại chúng để huy động vốn. Dharmesh Thakker của quỹ Battery Ventures, nói với The Economist rằng những người sáng lập có thể “gây quỹ bằng cuộc gọi Zoom”.
Sau thời kỳ bùng nổ, hiện các nhà đầu tư cũng đang chật vật cân nhắc cách bán lại cổ phần của họ trong các kỳ lân của năm qua. Hầu hết các VC hoạt động theo chu kỳ mười năm, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong 5 năm đầu tiên và thoái vốn trong 5 năm tiếp theo. Với hơn 700 kỳ lân ở Mỹ, mức định giá tổng hợp là 2,4 nghìn tỷ USD, đặt ra một thách thức khó khăn trong khi thị trường đi xuống.
>>Ưu đãi ngành bán dẫn của Mỹ bộc lộ "lỗ hổng" nan giải
Con đường thứ hai – bán lại cho các công ty – cũng gặp khó. Theo PitchBook, chỉ có 698 công ty có VC hậu thuẫn được các công ty mua vào năm ngoái, giảm so với 1.311 vào năm 2021. Tháng trước, Amazon đã từ bỏ nỗ lực mua lại iRobot, một nhà sản xuất máy hút bụi robot, sau sự xem xét kỹ lưỡng của các cơ quan quản lý châu Âu.
Bán lại cho một nhà đầu tư tư nhân khác cũng không quá hấp dẫn. Theo Caplight, một nhà cung cấp dữ liệu, mức định giá tư nhân trên thị trường thứ cấp có khả năng cao sẽ thấp hơn mức định giá ở vòng gây quỹ mới nhất. Discord, một dịch vụ trò chuyện phổ biến với các game thủ, gần đây nhất được định giá trên thị trường thứ cấp ở mức 6 tỷ USD, giảm so với mức định giá gần 15 tỷ USD khi huy động vốn lần cuối vào năm 2021.
Dù sao, xu hướng này cũng gửi đi tín hiệu tích cực, rằng dòng vốn đầu tư đang trở nên cẩn trọng hơn và chú trọng chất lượng hơn. Ngày nay, tăng trưởng bằng mọi giá không còn là ưu tiên hàng đầu. Nhiều nhà sáng lập cũng đang thận trọng hơn với việc tuyển dụng của họ, một điều trái ngược với cuộc đua săn nhân tài công nghệ trước đại dịch. AI có thể góp phần vào giảm thiểu chi phí nhân lực và tăng năng suất - và đó cũng là hi vọng hiện tại của các công ty khởi nghiệp muốn trở thành kỳ lân.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc tìm cách tránh "bẫy công nghệ tầm trung"
03:30, 18/12/2023
Ưu đãi ngành bán dẫn của Mỹ bộc lộ "lỗ hổng" nan giải
04:00, 22/02/2024
Nhật Bản đang "lép vế" tại Đông Nam Á?
11:58, 21/02/2024
Khai thác tiềm năng hệ sinh thái carbon xanh tại Đông Nam Á
04:00, 23/02/2024
Thời của những “ông lớn” ngành bán dẫn
03:30, 14/02/2024