Alibaba cấm buôn bán các thiết bị khai thác tiền điện tử

DIỄM NGỌC 02/10/2021 05:00

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba triển khai chính sách cấm các thương gia buôn bán thiết bị khai thác tiền điện tử trên nền tảng toàn cầu của mình.

Làn sóng trấn áp mở rộng

Theo thông tin mới đây, Alibaba Group Holding sẽ cấm bán các thiết bị khai thác tiền điện tử trên nền tảng bán buôn toàn cầu của mình, sau khi chính phủ Trung Quốc tăng cường trấn áp các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Theo đó,Alibaba.com sẽ cấm bán “máy khai thác tiền ảo” bao gồm phần cứng và phần mềm được sử dụng để thu tiền điện tử như Bitcoin, cũng như các hướng dẫn khai thác khác. Đồng thời sẽ xóa hai danh mục sản phẩm "máy khai thác blockchain" và "phụ kiện máy khai thác blockchain" khỏi trang web”, Tập đoàn thương mại điện tử cho biết trong một thông báo.

Các quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 8/10 tới đây và bất kỳ người bán nào tiếp tục liệt kê các sản phẩm bị cấm sau ngày 15/10 sẽ bị phạt (ảnh: AP Photo)

Alibaba cấm buôn bán máy khai thác tiền điện tử sau động thái siết tiền điện tử của Chính phủ (ảnh: AP Photo)

Các quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 8/10 tới đây và bất kỳ người bán nào tiếp tục liệt kê các sản phẩm bị cấm sau ngày 15/10 sẽ bị phạt. Người vi phạm có thể thấy cửa hàng của họ bị chặn, tài khoản của họ bị đóng băng, thậm chí bị đóng cửa.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cùng với 9 cơ quan quản lý khác, đã ban hành các biện pháp cứng rắn nhất của đất nước, trong việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến tiền điện tử. Các nhà chức trách khẳng định, tất cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử là bất hợp pháp và cảnh báo, các sàn giao dịch tiền điện tử nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người dùng Trung Quốc đại lục, đang tham gia vào các hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Từ năm 2017, Trung Quốc đã ra lệnh cho các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước ngừng giao dịch và cam kết sẽ chặn tất cả các sàn giao dịch nước ngoài vào năm 2018, nhưng người dùng đại lục vẫn có thể giữ tài khoản nước ngoài của họ và tìm cách giao dịch. Động thái mới nhất của Bắc Kinh được cho là sẽ bịt lỗ hổng đó.

Thông báo mới nhất này cũng chỉ rõ và gửi tới tất cả các chính quyền địa phương và các khu vực tự trị rằng: “Bất kỳ pháp nhân, tổ chức, cá nhân nào cung cấp dịch vụ bán hàng và tiếp thị, thanh toán, hỗ trợ kỹ thuật, những người cố ý tham gia vào hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo, sẽ bị điều tra theo quy định của pháp luật”.

Với động thái này, Huobi và Binance là hai trong số các sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới đã ngừng cho phép các nhà giao dịch đăng ký tài khoản mới bằng số điện thoại di động của Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain nhận định, giữa tình hình nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và Trung Quốc cũng như các nước khác đã phải bơm ra rất nhiều tiền, việc chính phủ nước này ngăn cấm người dân đầu tư vào tiền điện tử cũng là cách để hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường mang tính đầu cơ cao và không thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, khi các sàn tập trung bị cấm đã tạo ra một xu hướng mới trong ngày 28/9 vừa qua, đó là người dùng đã rời từ các sàn tập trung sang các sàn giao dịch phi tập trung (Defi), nơi người dùng có thể tự kiểm soát nguồn tiền của mình và nạp rút bất kỳ lúc nào. Đây cũng có thể trở thành xu hướng của tương lai trong không gian tiền điện tử.

Hướng tới mục tiêu kép

Có thể thấy, các cơ quan quản lý và ngân hàng của Trung Quốc đang phối hợp với nhau để xóa sổ các loại tiền điện tử như Bitcoin ở trong nước và tạo ra một lộ trình để chấm dứt hoạt động khai thác tiền ảo, cũng như cắt đứt mọi giao dịch tài chính liên quan. Sự nỗ lực gấp đôi từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này nhằm đặt ra mục tiêu loại bỏ rủi ro trong hệ thống tài chính của mình, đồng thời tiến hành một chiến dịch tiết kiệm năng lượng và cắt giảm phát thải đầy tham vọng.

việc chính phủ nước này ngăn cấm người dân đầu tư vào tiền điện tử cũng là cách để hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường mang tính đầu cơ cao và không thể kiểm soát được (ảnh minh hoạ)

Việc chính phủ nước này ngăn cấm người dân đầu tư vào tiền điện tử cũng là cách để hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường mang tính đầu cơ cao và không thể kiểm soát được (ảnh minh hoạ)

Theo tờ South China Morning Post, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã thông báo rằng, họ đã đưa hoạt động khai thác tiền điện tử vào danh mục loại bỏ, có nghĩa là lệnh cấm ngay lập tức đối với các khoản đầu tư mới, hạn chế kinh doanh và tiến tới lộ trình cho việc đóng cửa toàn diện với lĩnh vực này.

Chúng ta phải phân biệt giữa khai thác tiền ảo với chuỗi khối Blockchain, các ngành công nghiệp dữ liệu lớn và điện toán đám mây và hướng dẫn các công ty phát triển những ngành tiêu thụ ít tài nguyên nhưng có giá trị gia tăng cao ”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, các nhà chức trách Trung Quốc đã đình chỉ mọi chính sách thuế và tài chính ưu đãi, tín dụng ngân hàng, cùng các kênh tài trợ khác cho tiền ảo. Đồng thời yêu cầu cập nhật hàng tuần về khả năng tính toán mức tiêu thụ điện năng của các công cụ khai thác hiện có, hướng tới việc tìm ra những công cụ ẩn với sự điều phối và chia sẻ thông tin theo quy định.

Như vậy, cơ quan lập kế hoạch kinh tế vĩ mô của Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các kế hoạch tiết kiệm năng lượng của mình, được đưa ra khi Bắc Kinh đẩy mạnh hành động để đạt được “Mục tiêu trung tính carbon năm 2060” do Chủ tịch nước Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2020.

Cuộc đàn áp có ý nghĩa quan trọng để cải thiện cấu trúc công nghiệp của Trung Quốc, thúc đẩy việc cắt giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng cũng như hoàn thành các mục tiêu trung lập các-bon,” theo một tuyên bố trực tuyến từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Sơn, chuyên gia tài chính số nhận xét, Trung Quốc là nước đóng góp lớn vào sức mạnh tính toán Bitcoin của thế giới (tức giải thuật trong hệ thống blockchain), nơi sản xuất một Bitcoin có thể tiêu tốn hàng trăm kilowatt điện, và các hoạt động khai thác sử dụng nhiều năng lượng như vậy chủ yếu tập trung ở Nội Mông, một khu vực có nhiều nhiệt điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, cũng như các tỉnh giàu thủy điện như Tứ Xuyên hay Vân Nam.

“Chính vì vậy, ngoài việc trấn áp các công cụ khai thác tiền điện tử nhằm ổn định tài chính, nhiều chính quyền cấp tỉnh ở nước này còn đang cố gắng cắt giảm sản lượng của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, để đảm bảo đạt được các mục tiêu kiểm soát an ninh năng lượng trong năm 2021”, ông Sơn đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc siết tiền điện tử, thị trường thay đổi gì?

    13:02, 29/09/2021

  • Sàn giao dịch tiền điện tử ngừng mở tài khoản mới cho người Trung Quốc

    13:59, 27/09/2021

  • Trung Quốc nâng mức độ “khẩn cấp” các quy định trấn áp tiền điện tử

    04:30, 26/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Alibaba cấm buôn bán các thiết bị khai thác tiền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO