Trước đòi hỏi cải cách ngày càng tăng đối với cơ quan của Liên Hợp Quốc và vị thế đang lên của mình, Ấn Độ liệu có thể đạt được một thành tựu lịch sử khác?
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra với nhiều chủ đề quốc tế cấp bách và gây chia rẽ, một trong số đó là yêu cầu phải cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC).
>>Lộ diện “hình hài” mới trong hợp tác quốc tế
Đây đã là một trong những chủ đề chung được đưa ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua tại New Delhi, trong đó Ấn Độ đang trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho một ghế thành viên thường trực của Hội đồng quyền lực này.
Đã từ lâu, UNSC bộc lộ những khiếm khuyết được nhiều chuyên gia và chính khách thừa nhận. Trước hết, đó là bản chất chia rẽ không thể phủ nhận của UNSC dưới hình thức hiện tại, nơi năm thành viên thường trực dường như không bao giờ đồng ý về bất kỳ vấn đề lớn nào ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Thứ hai, đó là sự phản đối ngày càng tăng đối với bất công trong UNSC – nơi không có đại diện nào từ Châu Phi, Châu Mỹ Latinh hoặc Caribe trong khi Châu Âu chiếm hai ghế thường trực.
Dù sức ép là vậy, việc thực sự đi đến cải cách UNSC không phải là điều dễ dàng. Nhóm G4 gồm Nhật Bản, Đức, Brazil và Ấn Độ từ lâu đã lên tiếng chỉ trích việc các cuộc Đàm phán liên chính phủ (IGN) về vấn đề cải cách liên tục không đạt được tiến bộ có ý nghĩa.
IGN ra mắt chính thức nhờ Quyết định 62/557 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 15/9/2008 về vấn đề đại diện công bằng và tăng số lượng thành viên của UNSC. Bắt đầu vào đầu năm 2009 và liên tục diễn ra trong mỗi phiên họp toàn thể UNGA, nhưng không có sự thay đổi có ý nghĩa nào trong 14 năm kể từ đó.
Trong phiên họp UNGA mới đây, nhóm “L-69” gồm các nước đang phát triển, trong một cuộc họp do Ấn Độ chủ trì, đã đưa ra lời kêu gọi mới về cải cách UNSC thông qua việc đưa cả các thành viên thường trực và không thường trực vào Hội đồng Bảo an LHQ. Ấn Độ và các nước kỳ vọng rằng sẽ đẩy nhanh quy trình IGN dựa trên một văn bản tổng hợp duy nhất, hướng tới một kết quả cụ thể trong một khung thời gian cố định.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, trên thực tế, mấu chốt của vấn đề nằm ở “văn bản tổng hợp duy nhất”. Quy trình IGN (hoặc bất kỳ quy trình nào khác) chỉ có thể được tiến hành khi có tài liệu rõ ràng được đưa ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cho đến nay, đây chỉ là một cuộc trò chuyện và không có gì khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar mới đây đã nhấn mạnh vẫn chưa thấy một tài liệu nào được đặt trên bàn liên quan tới những cải cách của UNSC.
>> Vị thế lớn mạnh, Ấn Độ vẫn còn nỗi lo trong nước
Lời kêu gọi cải cách UNSC không phải bây giờ mới có, nhưng có lẽ Ấn Độ giờ là quốc gia phù hợp nhất để trở thành thành viên tiếp theo của cơ quan quyền lực này. Không chỉ nổi bật về tăng trưởng kinh tế, New Delhi đã tự khẳng định mình là tiếng nói của phía Nam toàn cầu, nơi tập trung đa số các nước đang phát triển trong những năm qua.
54 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi biết ơn Ấn Độ vì đã đưa họ vào G-20. ASEAN, Tây và Trung Á hay Mỹ Latinh cũng ủng hộ mạnh mẽ vai trò này của New Delhi. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng đang tăng cao, mang đến cơ hội hiếm có để New Delhi có thể giành được thỏa thuận từ cả Bắc và Nam bán cầu.
Các cuộc cải cách UNSC đòi hỏi phải có ít nhất 2/3 số thành viên của Đại hội đồng LHQ thông qua và được ít nhất 2/3 số thành viên phê chuẩn - bao gồm tất cả các thành viên thường trực của UNSC.
Trong số này, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng phản đối việc Ấn Độ ứng cử làm thành viên thường trực hoặc cải cách UNSC nói chung. Dù vậy, Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc rất kĩ động thái này nếu không muốn quan hệ với Ấn Độ rạn nứt.
Đó là một câu hỏi khó nhưng không phải là không thể. Ấn Độ chứng minh sự khéo léo trong thu hẹp những khác biệt để hướng tới cái chung như tuyên bố chung G20, do đó, một ghế trong UNSC có thể là lời khẳng định đanh thép nhất của New Delhi về vị thế của mình.
Có thể bạn quan tâm
Lộ diện những chủ đề sẽ “làm nóng” cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
04:00, 19/09/2023
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: Việt Nam là "tấm gương" đặc biệt!
14:53, 22/10/2022
Mỹ "rối bời" trước tranh cãi nảy lửa Ấn Độ - Canada
04:30, 22/09/2023
Động lực lớn nào đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ?
04:00, 21/09/2023