Sự kiện thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc- tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, diễn ra trong thời điểm phân cực và chia rẽ nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh.
>> Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến 26/9/2023 với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 193 nước thành viên nhận được sự chú ý với một loạt vấn đề nóng của thế giới cần được giải quyết.
Không chỉ là chiến sự Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, mà còn là mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa các cường quốc, tác động biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ được cho là những chủ đề gây chú ý trong sự kiện lần này.
Đối với các nước đang phát triển, ưu tiên hàng đầu của họ chắc chắn là kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhiều hơn nhằm đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu năm 2030 vốn đang bị cho tụt hậu trầm trọng hiện nay. Dự kiến sẽ có hơn 140 nhà lãnh đạo các quốc gia phát biểu về các vấn đề cấp bách liên quan tới SDG lần này.
Trước thềm Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng LHQ, chính Tổng thư ký Antonio Guterres cảnh báo mục tiêu phát triển bền vững đang “lâm nguy”, thể hiện qua 50% các mục tiêu SDGs hiện được thực hiện ở mức yếu và không đầy đủ. Thậm chí có tới hơn 30% số mục tiêu không ghi nhận sự tiến triển nào hoặc thụt lùi so với năm 2015.
Theo đó, Thượng đỉnh lần này của Đại hội đồng LHQ sẽ bàn về một “kế hoạch giải cứu”. Mục tiêu của Liên Hợp Quốc là đánh giá tiến độ một cách thực tế và chỉ rõ vai trò của các quốc gia trong thúc đẩy các mục tiêu chung.
Dù vậy, thử thách lớn nhất chính là hành động sau những cam kết đó. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh này, các cuộc đàm phán ngoại giao đã gặp nhiều khó khăn trong một môi trường chính trị mà các cường quốc như Mỹ, EU hay Trung Quốc không đạt được các tiếng nói chung.
Một vấn đề khác sẽ nhận được chú ý nhiều hơn là những ý kiến của các nước phía Nam bán cầu, vốn ngày càng khẳng định vị thế quốc tế thời gian qua.
Nam Á, Mỹ Latin hay Châu phi ngày càng thể hiện vai trò của họ trong nền kinh tế thế giới cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cung cấp cho các quốc gia lâu nay ít được chú ý một đòn bẩy tốt hơn để nói lên những mong muốn và thách thức của mình.
Ông Bruce Jones, học giả của Viện Brookings (Mỹ), thậm chí cho rằng giờ đây cả Trung Quốc, Mỹ hay Châu Âu đều muốn lôi kéo Nam Bán cầu về phía mình, để tận dụng “phiếu bầu, nguồn lực và lòng trung thành của họ”.
“Các chiến lược gia phương Tây ít chú ý đến các vấn đề phát triển và các thể chế đa phương. Nhưng trong cuộc đấu tranh giành trật tự rộng lớn hơn, chúng là những chiến trường quan trọng. Và phương Tây đang mất dần vị thế”, ông Jones nhận xét.
>> Chiến sự Nga - Ukraine có thể ít được nhắc tới
Với sự hiện diện hiếm hoi của mình tại Hội nghị thượng định lần này của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ có cơ hội quảng bá vai trò của Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề phát triển của thế giới.
Trước đây, Mỹ hầu như không coi trọng SDG như một khuôn khổ chính sách có ý nghĩa kể từ khi ra mắt và là một trong năm quốc gia duy nhất chưa nộp bản đánh giá chính thức tại Liên Hợp Quốc về tiến độ thực hiện SDG. Thế nhưng dưới thời ông Biden, Washington đã bắt đầu chấp nhận SDG, đặc biệt là trong số các sáng kiến và cơ quan phát triển quốc tế của mình.
Hội nghị thượng đỉnh lần này mang đến cho Hoa Kỳ cơ hội thiết lập vai trò lãnh đạo và thu hút các đối tác mới trong hợp tác giải quyết các vấn đề đang là ưu tiên của nhiều nước như xóa đói giảm nghèo hay chống biến đối khí hậu.
Cách tiếp cận mới này có thể gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Mỹ cũng là một đối tác phát triển có trách nhiệm và uy tín, giống như cách mà Trung Quốc bấy lâu nay cũng đang làm nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, Mỹ Latinh hay Đông Nam Á.
Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden là lãnh đạo duy nhất trong nhóm 5 cường quốc Hội đồng Bảo an tham dự hội nghị này, Tổng thống Ukraine Zelensky có thể sẽ không dành được nhiều sự chú ý như mong muốn tại chương trình. Trong khi ông Putin vắng mặt, các lãnh đạo Anh và Pháp cũng không đến New York có thể khiến chiến sự Nga - Ukraine phần nào bị xao nhãng.
Trước thềm hội nghị này, các chuyên gia dự báo ông Zelensky sẽ muốn tận dụng cơ hội này để tiếp xúc và thuyết phục các nước Nam Bán cầu ủng hộ mình. Thế nhưng, giữa một loạt vấn đề toàn cầu cũng cấp bách không kém, cơ hội để Ukraine giành được vị trí trung tâm là không nhiều.
Trước đó, khi được hỏi liệu Ukraine có phải là trọng tâm chương trình nghị sự, chính ông Guterres thừa nhận “Chúng tôi không muốn chỉ có một ánh đèn sân khấu”.
Có thể bạn quan tâm
Bài toán thu hút khu vực tư nhân chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu
04:30, 14/07/2023
Tài sản mắc kẹt do biến đổi khí hậu
09:07, 24/05/2023
Rủi ro biến đổi khí hậu và tài sản mắc kẹt ở Việt Nam
05:10, 13/05/2023
Rủi ro biến đổi khí hậu và các tài sản mắc kẹt
05:00, 11/05/2023
5 giải pháp phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may Việt Nam
01:30, 17/09/2023
Trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững
00:30, 04/09/2023
TRỰC TIẾP: Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF)
13:29, 23/08/2023