Những vấn đề mà BĐKH có thể gây ra với ngành tài chính ngân hàng đã được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đưa vào trong các khuyến nghị và trong các khuôn khổ mới của Basel áp dụng từ tháng 1/2023.
>> Rủi ro biến đổi khí hậu và các tài sản mắc kẹt
Việt Nam thường được xem như là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi Khí hậu (BĐKH). Nhiệt độ trung bình năm đã tăng trên toàn Việt Nam với mức tăng trung bình khoảng 0,89ºC cho thời kỳ từ 1958 đến 2018 (~0,15°C/thập kỷ). Thập kỷ vừa qua chứng kiến mức tăng cao nhất. Trong cùng thời kỳ, lượng mưa năm tăng nhẹ với mức tăng trung bình khoảng 5,5%, tuy nhiên có sự trái ngược về xu thế tuỳ thuộc vào khu vực cụ thể. Hơn nữa, mực nước biển cũng tăng lên, với mức tăng trung bình là 3,6 mm/năm cho giai đoạn 1993–2018 (nguồn: Bộ Tài nguyên và môi trường, 2021).
Sự biến đổi khí hậu trong tương lai phụ thuộc vào vào nỗ lực chung của các quốc gia trong việc cắt giảm triệt để lượng phát thải khí nhà kính, phù hợp với Thoả thuận Paris.
Biến đổi khí hậu có tác động mạnh đến các vấn đề kinh tế và xã hội của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo của Espagne E. (ed.) và cộng sự (2021) các tác động kinh tế xã hội của biến đổi khí hậu đến Việt nam gồm nhiều mặt từ kinh tế, xã hội đến y tế. Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (BĐKH) của tổ chức DARA International (năm 2012) chỉ ra rằng, BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
Rủi ro thiên tai - biến đổi khí hậu trong thời gian dài và các cú sốc thời tiết có tác động mạnh đến năng suất cây trồng và phân bố địa lý cây trồng.
Đối với trồng trọt: Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thời tiết và trữ lượng nước, rất nhạy cảm với những thay đổi của khí hậu như lượng mưa, thời tiết cực đoan, tăng nền nhiệt. Sự thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ cùng với thiên tai dẫn đến những biến đổi về khả năng thích nghi của cây trồng, làm giảm năng suất các giống cây trồng, mất mùa, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh, qua đó làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá tiêu dùng và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Đất đai không trồng trọt được do BĐKH trở thành tài sản mắc kẹt (TSMK).
Đối với chăn nuôi: BĐKH làm thay đổi môi trường sống, đe dọa đến nguồn cung cấp thức ăn và nước uống cho chăn nuôi, làm giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hậu quả là năng suất sinh trưởng và sinh sản của vật nuôi bị giảm sút.
>> Chuyển dịch kinh tế "nâu" sang "xanh": Cần định chế tài chính chuyên biệt
Đối với ngành thủy sản: BĐKH và thiên tai ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng và chi phí của ngành đánh bắt thủy sản: nhiệt độ nước biển tăng gây bất lợi về nơi cư trúc của một số loài thủy sản, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sinh vật, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của thủy sản, thúc đẩy quá trình suy thoái của san hô, làm thay đổi về vị trí, cường độ dòng nước và gia tăng tần số, cường độ bão và thiên tai, giảm thời gian đánh bắt và năng suất khai thác nghề cá trên biển, tăng chi phí tư sửa, bảo dưỡng, xây dựng mới bến bãi, cảng cá, ngư cụ, tàu thuyền. BĐKH làm thay đổi môi trường nuôi trồng, làm chậm tốc độ sinh trưởng của thủy sản, giảm lượng thức ăn, làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số loài thủy sản, làm tăng dịch bệnh, dẫn đến sản lượng nuôi trồng thủy sản bị giảm sút.
BĐKH ảnh hưởng đến ngành chế biến chế tạo từ góc độ tiêu chuẩn môi trường, công nghệ và chi phí thích ứng. Các doanh nghiệp trong ngành buộc phải thay đổi công nghệ theo hướng thay đổi hoặc bổ sung công nghệ nhằm tăng hiệu suất năng lượng và giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính. Các công nghệ cũ không đáp ứng tiêu chuẩn, các nhà máy cũ có nhiều khí thải nhà kính có rủi ro trở thành tài sản mắc kẹt. Phần lớn các khu công nghiệp đều trên vùng đồng bằng thấp trũng hoặc ven biển, dễ bị tổn thương trước nguy cơ BĐKH, đặc biệt nước biển dâng và mưa lũ do thời tiết cực đoan, vùng nguyên liệu công nghiệp cũng sẽ có nhiều thay đổi về quy mô sản xuất cũng như về khối lượng sản phẩm.
Hơn nữa, nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu là nông sản và thủy hải sản, rủi ro thiên tai và tác động BĐKH, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu không đều, hoặc khan hiếm, làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và chất lượng không ổn định.
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Tuy nhiên trong thời gian qua, BĐKH đã có những tác động tiêu cực đến ngành: BĐKH làm thu hẹp vùng có nhiệt độ lý tưởng, có sinh cảnh hấp dẫn, thích hợp cho du lịch; gia tăng rủi ro trong hành trình du lịch; các công trình trên các bãi biển phải nâng cấp để thích ứng với mực nước biển dâng… Biến đổi khí hậu vì vậy cũng tạo ra các rủi ro tài sản mắc kẹt cho ngành du lịch và dịch vụ.
Tác động của BĐKH đến ngành tài chính, ngân hàng
Biến đổi khí hậu có những tác động khó đoán định sẽ khiến cho các nhà đầu tư ngày càng e ngại về những nguy cơ tiềm tàng như: giảm lợi nhuận, khó thu hồi hoặc thậm chí mất vốn đầu tư…Các ngân hàng thương mại,các quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm chịu những rủi ro lớn khi chi phí đền bù cao hoặc khách hàng mất khả năng thanh toán do liên quan đến hư hỏng cơ sở hạ tầng, thiệt hại về con người, khủng hoảng thị trường…
Đối với ngân hàng: rủi ro thiên tai và thời tiết cực đoan làm thiệt hại về con người, tài sản của doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, mất thu nhập và mất vốn, làm giảm hoặc mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và các hộ gia đình đối với các khoản vay của ngân hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ phải chú ý và mất công sức, thời gian xét duyệt hồ sơ, phương án vay vốn của doanh nghiệp, hộ gia đình nhằm đảm bảo mức độ an toàn của các khoản vay.
Đối với các quỹ đầu tư: các dự án mà các quỹ đầu tư rót vốn có thể bị thiệt hại dẫn đến khả năng thua lỗ, mất tài sản dẫn đến giảm khả năng thu hồi vốn hoặc khả năng sinh lời của các dự án, gián tiếp làm giảm lợi nhuận và thất thoát vốn của các quỹ đầu tư.
Đối với các công ty bảo hiểm: BĐKH gây ra nhiều thiệt hại trong lĩnh vực vận tải, xây dựng, khách sạn, nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động chi trả đền bù và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhất là bảo hiểm sản phẩm xây dựng, nông nghiệp.
Những vấn đề mà BĐKH có thể gây ra với ngành tài chính ngân hàng đã được Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đưa vào trong các khuyến nghị gần đây như trong BCBS (2022) hay trong các khuôn khổ mới của Basel áp dụng từ tháng 1/2023. Trong đó có những lưu ý về các rủi ro với định giá tài sản, xếp hạng tín nhiệm khách hàng…
Tác động của BĐKH đến các cơ sở hạ tầng khác
Giao thông và cơ sở hạ tầng: Theo đánh giá của IPCC, do tác động của BĐKH toàn cầu, có khả năng mực nước biển sẽ dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21, nếu Việt Nam không nhanh chóng xây dựng và nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đê biển để ứng phó, thì hàng năm có đến 40.000km2 vùng ven biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó 90% diện tích đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập hoàn toàn, thiệt hại về tài sản lên tới 17 tỷ USD.
BĐKH với những thay đổi đột ngột về nhiệt độ có hại cho công trình giao thông, độ ẩm dao động mạnh, bão lũ lớn, hạn hán ảnh hưởng đến chất lượng đường xá, gây lún, sạt lở…cản trở giao thông, phát sinh cho chi phí vận tải, làm tăng chi phí bảo trì và sửa chữa phương tiện… BĐKH cũng ảnh hưởng lớn đến ngành năng lượng.
Nước sạch và vệ sinh môi trường: Do mưa lũ liên tiếp nên hệ thống các đê bao, đê ngăn mặn, đê kè sông, biển và kênh mương bị sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông, công trình, di tích lịch sử bị bùn đất vùi lấp. Thêm vào đó, do ngập lụt trong thời gian dài, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải từ các nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, các chất thải khác… bị rửa trôi, xuống hồ ao, sông suối trôi nổi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường. Các công trình cấp nước sạch tập trung bị hư hỏng hoặc do nguồn nước cấp bị ô nhiễm gây khó khăn cho việc xử lý nước, cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Tiếp theo: Tác động của BĐKH và tài sản mắc kẹt ở ngành năng lượng Việt Nam
*PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cùng cộng sự.
Có thể bạn quan tâm