Đầu tư công có tiến độ giải ngân tích cực được xem là một điểm sáng của chính sách quyết liệt và hỗ trợ nền kinh tế năm qua. Nhưng câu chuyện 2021 chưa hẳn sẽ lặp lại, hoặc lặp lại theo cách khác...
Theo Bộ Tài chính công bố, năm 2020, thu ngân sách nhà nước của Việt Nam ước đạt 1.507 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, việc thu ngân sách không đảm bảo tiến độ dự toán là phù hợp với chu kỳ kinh tế, đồng thời là một cơ chế chính sách tự động thuận chu kỳ (không đặt thêm gánh nặng lên nền kinh tế đang khó khăn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19).
Một phần của việc làm hao hụt thu ngân là các chính sách giãn thu với khoảng 123,7 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm trong năm qua. Chi ngân sách nhà nước 2020, cũng theo Bộ Tài chính, ước tính đạt 1.781,4 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8% so với dự toán trình Quốc hội; trong khi đó Chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán. Theo đó, đầu tư công trở thành điểm sáng của 2020, với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để thúc đẩy tiến độ giải ngân cũng như việc ban hành các chính sách cụ thể nhằm tăng lực đẩy cho tiến độ này.
Nổi bật bên cạnh Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, đó là Chính phủ quyết định xem xét và đồng ý chuyển đổi đầu tư đối tác công tư sang hình thức đầu tư công cho 08 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu vốn của các dự án này…
Tuy nhiên, VEPR cho rằng mặc dù bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 3,93%GDP ước thực hiện. Bên cạnh đó, dù Chính phủ đang cố gắng tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều vào đầu tư công trong năm 2021 vì thực trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam diễn ra liên tục trong nhiều năm qua và năm nay có thể thâm hụt nhiều hơn nữa.
Hiện, hết tháng 12/2020, Chính phủ đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID 19 và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân; đồng thời đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói người dân miền Trung trong thiệt hại do bão lũ gây ra.
Một điều chắc chắn là áp lực thâm hụt ngân sách đối với kinh tế vẫn còn nguyên đó và chưa thể “quẳng gánh lo” ngay, khi Việt Nam những tháng đầu năm 2021 với những thông tin tiêu cực về dịch bệnh bùng phát và biện pháp cách ly xã hội, gián cách cục bộ từng khu vực theo Chỉ thị 16 đã được tái lập tại một số địa phương. Dịch bệnh phức tạp, khó lường khiến khả năng gia hạn lùi thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất doanh nghiệp sẽ được áp dụng và thậm chí, có thể tăng thêm so với quãng chậm nộp mà Bộ Tài chính vừa đề xuất hồi đầu năm. Ước tính mức giảm ngân sách do chậm lại các dòng thuế giãn thu trước mắt có thể lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Và tất nhiên không ai mong muốn, nhưng nếu dịch bệnh còn khó khăn, những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn có điều kiện để nộp thu ngân sách cũng sẽ bị suy giảm thu nhập tính nộp thuế với tỷ lệ nhất định. Điều này sẽ khiến Chính phủ phải lựa chọn từ thế lưỡng nan để cân đối giữa áp lực thâm hụt ngân sách và quyết sách đầu tư phát triển nhằm kích thích nền kinh tế tạo hiệu ứng tăng trưởng.
Giới chuyên môn nhận định trước mắt, với những thuận lợi và đà phát triển của 2020, bước sang năm mới, dù không dồi dào nguồn lực, Chính phủ cũng sẽ có sự ưu tiên nhất định cho đầu tư công. Đó là lựa chọn để không bỏ lỡ thời cơ “Việt Nam thần kì” với tăng trưởng GDP cao nhất châu Á năm qua, và lại đang rất cần phải hoàn thiện hạ tầng để thu hút các làn sóng đầu tư, đại bàng mới. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh kéo dài và khó kiểm soát hơn dự đoán, thì đầu tư công vẫn là tâm điểm đáng được chọn để kích thích, nâng đỡ nền kinh tế còn ổn định, tiếp tục ổn định, tiếp tục tạo tăng trưởng.
Bên cạnh những rủi ro hiện hữu và bất ngờ từ bên ngoài đối với Việt Nam, các chuyên gia VEPR cũng đưa ra các rủi ro nội tại - điểm yếu của kinh tế Việt Nam như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, còn chậm cho hiệu quả quản lý thấp; sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp.
Theo đó, rõ ràng tuy đầu tư công được khuyến khích không nên kì vọng nhiều, song dù ngắn hay dài hạn, dù dịch bệnh hay tuyệt vời hơn là vượt thoát khỏi dịch bệnh, một phần chi tiêu đầu tư phát triển không thể bỏ qua để cải thiện thực trạng hạ tầng giao thông đang ngày càng trở nên quá tải với áp lực đô thị hoá, công nghiệp hoá và giao thương hàng hoá, là cần thiết. Ông Ma Kha, chuyên gia tư vấn từ AWM Fund khẳng định, vì vậy, vẫn sẽ có những nhóm ngành nhất định được hưởng lợi, có thể "ăn theo" đầu tư công trong năm nay. Và các nhà đầu tư đã bắt đầu săn đón các mã cổ phiếu dự báo thuộc các doanh nghiệp hưởng lợi này. Đó có thể không phải là “cổ phiếu thường cho lợi nhuận phi thường”, nhưng hứa hẹn sẽ là khoản đầu tư không bị ảnh hưởng bởi bong bóng thị trường và có thể tăng trưởng hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Dự án đầu tư công – Vì đâu hiệu quả không như kỳ vọng?
04:50, 15/01/2021
Chính phủ đồng ý xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ bằng đầu tư công
13:30, 01/01/2021
Cần Thơ “bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công
16:53, 04/12/2020
Chọn lọc dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
05:03, 29/10/2020